Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:48 (GMT +7)
Doanh nghiệp nông nghiệp - Một năm vượt khó
Thứ 4, 07/12/2022 | 12:13:37 [GMT +7] A A
Với định hướng phù hợp và nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hiện đại, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển ấn tượng của nông nghiệp tỉnh.
Huyện Đầm Hà đang trở thành một điểm sáng của tỉnh về thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn đóng vai trò tiên phong trong nhiệm vụ này. Điển hình, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh (Tập đoàn Việt - Úc), khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao quy mô gần 170ha tại xã Tân Lập (huyện Ðầm Hà), năm 2019 cho ra đời mẻ tôm giống đầu tiên đưa ra thị trường. Đến nay công ty vẫn là lá cờ đầu về cung ứng tôm giống tại thị trường Quảng Ninh và các tỉnh, thành lân cận, giúp hoạt động sản xuất tôm thương phẩm toàn tỉnh có bước phát triển mạnh, duy trì ổn định cả trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát và giai đoạn khôi phục sản xuất hiện nay. Sản lượng tôm giống năm 2022 của công ty ước đạt 4,5 tỷ con, vượt kế hoạch năm.
Công ty áp dụng hiệu quả KHKT hiện đại vào sản xuất. Khu sản xuất thức ăn, hệ thống lọc nước và cho ăn tự động, khép kín, giám sát chặt chẽ bằng hệ thống máy tính... giúp công ty giám sát chặt chẽ, kiểm soát tốt chất lượng sinh trưởng và môi trường phát triển của tôm giống. Giống tôm chịu lạnh Việt - Úc nghiên cứu thành công từ cuối năm 2021, đưa ra thị trường trong năm 2022, ngay lập tức được đón nhận, giúp người nuôi tôm Quảng Ninh nuôi được ngay cả trong thời tiết lạnh (nuôi trái vụ). Với vai trò tiên phong của Việt - Úc, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có thể duy trì hoạt động hiệu quả cả năm thay vì phải “nghỉ đông”, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư. Nguồn lao động và thu nhập quanh năm cho trang trại đảm bảo ổn định; dự kiến nâng cao sản lượng, giá trị ngành hàng tôm của tỉnh.
Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường chiếm ưu thế trong lĩnh vực giống vật nuôi, cây trồng. Công ty TNHH Phú Lâm là một trong số ít đơn vị đi đầu ngành chăn nuôi, chế biến bò thịt của tỉnh. Công ty CP Thông Quảng Ninh chiếm ưu thế trong thị phần xuất khẩu dầu thông và tùng hương... Cùng với đó, 189 đơn vị quy mô doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đang tham gia phát triển trên 500 sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có 267 sản phẩm xếp hạng từ 3-5 sao cấp tỉnh.
Từ định hướng và hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng có nhiều đổi mới về chiến lược phát triển, đầu tư công nghệ đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2022, với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, phát triển thương mại điện tử đã giúp các nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn, chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống, xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua việc cấp và quản lý mã số vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản... Các doanh nghiệp nông nghiệp đang khẩn trương lấy lại đà tăng trưởng, đóng vai trò quan trọng vào phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; hình thức tổ chức tiên tiến gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ.... Các chỉ tiêu đề ra của ngành trong giai đoạn 2020-2022 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao, như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hằng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%... Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp ước đạt 4,51%, cao hơn 1,21 điểm % so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,3% trong GRDP. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, gắn với nhu cầu thị trường, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế và giá trị tăng cao. |
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()