Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:11 (GMT +7)
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nỗ lực vượt khó
Thứ 4, 03/01/2024 | 15:12:28 [GMT +7] A A
Cùng với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên cả nước, các doanh nghiệp sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, thị trường, giá cả, cạnh tranh…, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD khá chật vật để vượt khó, phấn đấu đảm bảo sản xuất và chăm lo cho người lao động, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2024.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng và 26 doanh nghiệp sản xuất gạch ngói. Hiện các doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn vướng mắc chung về tiêu thụ, thị trường... Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD. Giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình và kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, biến động về giá, nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, ngành sản xuất, kinh doanh VLXD vẫn chưa thể phục hồi ngay do tác động của suy thoái kinh tế chung, từ thị trường, biến động trong và ngoài nước.
Năm 2023, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xi măng trong nước tiêu thụ chậm, sức cạnh tranh lớn, sản lượng bán hàng nội địa đạt thấp dưới 10% sản lượng tiêu thụ; các chi phí đầu vào tiếp tục tăng với điện tăng giá 2 lần, mức tăng gần 7,5%, nguồn cung điện không ổn định do ngày nắng nóng phải tiết giảm sản xuất vì thiếu điện; các nguyên liệu cho sản xuất như than, tro xỉ nhà máy nhiệt điện; phụ gia sản xuất tăng giá và khó mua do thắt chặt cơ chế quản lý tài nguyên khoáng sản...
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, năm 2023 đơn vị phải dừng sản xuất một dây chuyền với thời gian 3 tháng để kéo giãn sản xuất, giảm sản lượng để tiết giảm chi phí. Trong năm qua, do thị trường tiêu thụ xi măng trong nước thấp, dẫn đến việc các sản phẩm nội địa của Công ty đã trả dưới 10% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm. Trước những khó khăn trên, Công ty cũng được hưởng một số chế độ ưu đãi như giảm thuế GTGT; giảm tiền thuê đất… để vượt khó. Công ty tiếp tục phát triển các hướng tiêu thụ, duy trì hoạt động sản xuất ổn định với việc xây dựng và triển khai mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu. Trong đó, chú trọng tiêu thụ tại một số thị trường tiềm năng như Hà Nội, Thái Bình và thị trường truyền thống ở Quảng Ninh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất xanh, sử dụng chất thải công nghiệp thông thường thay thế than cám; tăng tỷ lệ phụ gia trong xi măng; đầu tư thiết bị thế hệ mới tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Công ty cam kết không nợ lương, đảm bảo đủ lương, thưởng cho người lao động, tạo niềm tin và khích lệ người lao động cùng đồng hành vượt khó với doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Doan (Phân xưởng Xi măng, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) chia sẻ: Tôi gắn bó với Công ty hơn 20 năm, chứng kiến nhiều giai đoạn khó khăn chung của đơn vị và của ngành sản xuất VLXD. Trong mọi hoàn cảnh, Công ty luôn đảm bảo các chế độ cho người lao động cả về vật chất và tinh thần, không để tình trạng nợ, thiếu hụt lương. Chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào sự điều hành, hoạt động của Công ty. Chắc chắn Công ty sẽ vững vàng vượt qua khó khăn đạt kết quả cao trong sản xuất trong năm mới.
Trong năm 2023, mặc dù đứng trước những khó khăn, nhưng mức tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh vẫn ước đạt trên 1,5 triệu tấn, đạt 91% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt trên 1.500 tỷ đồng; đáp ứng được tiền lương bình quân người lao động đạt 12,1 triệu đồng/người/tháng.
Công ty CP Xi măng Cẩm Phả năm 2023 cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến doanh thu giảm gần 40% so với năm 2022. Đại tá Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, cho biết: Năm 2023 Công ty phải đối mặt với nhiều áp lực thị trường khi bất động sản đóng băng trên toàn quốc; thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% gây sụt giảm lớn về sản lượng tiêu thụ,... Công ty đang tiếp tục từng bước gỡ khó, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, linh hoạt chính sách bán hàng ngắn hạn, vận dụng chính sách để áp dụng trên thị trường trong giai đoạn khó khăn này. Từ đó, không để tình trạng tồn kho sâu, duy trì sản xuất và đảm bảo chi trả tiền lương cho người lao động đầy đủ. Mới đây, Công ty đã tổ chức thành công Lễ ký kết hợp đồng với 22 nhà phân phối đến từ các khu vực Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng về việc tiêu thụ các sản phẩm của Xi măng Cẩm Phả năm 2024. Đây được coi là bước đệm quan trọng để Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Năm 2023 cũng là năm có nhiều khó khăn đối với Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt. Để vượt lên khó khăn, Ban lãnh đạo Tổ hợp Gốm Đất Việt cố gắng tìm tòi, thúc đẩy thị trường kinh doanh trong nước, xuất khẩu… để đảm bảo thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/người lao động/tháng; đảm bảo mức hỗ trợ, thưởng Tết cho công nhân, người lao động của Công ty.
Theo ghi nhận tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh VLXD nhỏ lẻ, việc kinh doanh, bán sản phẩm cũng giảm sâu hơn so với thời điểm nhiều năm trước về số lượng và doanh thu bán hàng. Theo đại diện chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép và xi măng phường Cao Thắng (TP Hạ Long), năm vừa qua, hàng hóa bán ra rất bấp bênh, lượng hàng tồn kho nhiều hơn, sức tiêu thụ giảm quá nửa so năm trước. Doanh nghiệp phải gồng mình chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên hàng tháng. Hy vọng, bước sang năm mới thị trường VLXD sẽ ổn định hơn.
Bước sang năm 2024, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm VLXD, các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực VLXD mong muốn các cấp chính quyền tỉnh tiếp tục có các chính sách kích cầu tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy đầu tư xây dựng, đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn; phát triển thị trường bất động sản, nhà ở… để tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước như: Giảm thuế GTGT, thuế tài nguyên, giảm tiền thuê đất... để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD có được thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định sản xuất và hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()