4
18
/
796234
Doanh nghiệp thẳng thắn, chính quyền trách nhiệm
longform
Doanh nghiệp thẳng thắn, chính quyền trách nhiệm

Sáng 3/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị đối thoại với gần 700 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Với quan điểm thẳng thắn, không né tránh, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến: Quản lý hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long; phát triển dịch vụ khách sạn, quán bar tại khu du lịch Bãi Cháy; đầu tư dự án tại Vân Đồn; ô nhiễm môi trường;... đã được doanh nghiệp đặt ra.


Không ngại

kiến nghị những vấn đề "nóng"

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Với quan điểm nhất quán “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp để tiếp tục tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc; trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của tỉnh đã và đang triển khai để các doanh nghiệp đóng góp, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp xây dựng trong thời gian tới nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại hội nghị đối thoại, các ý kiến phát biểu của doanh nghiệp đều khẳng định thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc rất tích cực, thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hiện nay doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những vấn đề này rất cần được tỉnh quan tâm, tháo gỡ kịp thời.

Không né tránh, nhiều doanh nghiệp không ngại nêu ý kiến, đề xuất với tỉnh những vấn đề được coi là “nóng” nhất hiện nay. Ông Đặng Duy Quân, Giám đốc Công ty TNHH Trí Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Móng Cái, nêu ý kiến: Đối với một số dự án về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hiện nay thường xảy ra chậm tiến độ trong nhiều khâu, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân trong vùng dự án. Tiến độ dự án chậm cũng sẽ ảnh hưởng thời gian hoàn thành dự án, khiến cho công trình đó chậm phát huy hiệu quả. Do vậy, tỉnh cần yêu cầu và có giải pháp quyết liệt để nhà đầu tư, đơn vị thi công thực hiện đúng cam kết về tiến độ dự án.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất mong muốn tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư về hạ tầng thiết yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp đang yếu và thiếu, rất cần hỗ trợ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH Đô thị - Môi trường (huyện Hoành Bồ), kiến nghị: Tỉnh cần có biện pháp sớm di dời hết các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa về các KCN, KKT để có hệ thống xử lý các loại chất thải, nước thải đảm bảo môi trường. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải rắn khi tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiếp tục xây dựng lò đốt rác vùng sâu, vùng xa.

Một số doanh nghiệp của TP Hạ Long thì nêu kiến nghị với tỉnh đối với một số nội dung như: Cần có thêm cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển tàu du lịch vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ; giải quyết vấn đề tiếng ồn đối với một số quán bar tại khu du lịch Bãi Cháy; đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch trên đảo Lườm Bò. Một số doanh nghiệp khác nêu ý kiến đề nghị tỉnh có thêm những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế biên mậu...


Sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp

Tất cả các ý kiến, kiến nghị trực tiếp của doanh nghiệp tại hội nghị đã được các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo địa phương liên quan, trao đổi, làm rõ và nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp.

Trong đó, liên quan đến các chính sách của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung hỗ trợ tối đa theo thẩm quyền để doanh nghiệp phát triển, trên cơ sở đảm bảo quy hoạch chung về phát triển KT-XH, phát triển các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh không chủ trương đầu tư dự án phát triển đô thị nhỏ lẻ nhằm phân lô, bán nền mà sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch...

Quảng Ninh vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2017.

Đối với hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, doanh nghiệp cần tính đến tầm nhìn lâu dài. Ở một địa bàn du lịch, cần khuyến khích nhiều dịch vụ để du khách được trải nghiệm thưởng thức để du khách không chỉ đến một lần mà còn quay lại khám phá nhiều lần hơn. Trong đó, có thể một số dịch vụ sẽ ảnh hưởng tới dịch vụ khác. Ví dụ như phát triển quán bar, vũ trường, ... có thể gây ảnh hưởng vì tạo ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ. Như vậy, trước tiên địa phương phải có sự giám sát, quản lý các địa điểm này để cấp phép từng khu vực hoạt động hợp lý. Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực khách sạn cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chống tiếng ồn bên ngoài. Qua đó, sẽ đáp ứng được cả nhu cầu vui chơi và nghỉ ngơi của du khách.

Trực tiếp trả lời một số câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến khó khăn trong hoạt động biên mậu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: Thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động biên mậu. Tạo điều kiện để hoạt động thông thương thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đối với kết cấu hạ tầng biên mậu, tỉnh coi đây là bước đột phá chiến lược và những năm qua đã đầu tư nhiều nhằm hoàn thiện, kết nối hạ tầng biên mậu. Trong đó có phát triển cao tốc, sân bay, nâng cấp tuyến đường vành đai biên giới... Qua đó, tạo vị thế cạnh tranh chiến lược trong hoạt động biên mậu của Quảng Ninh; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động biên mậu.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, tỉnh Quảng Ninh đang dành rất nhiều quan tâm, ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh để đầu tư dự án phù hợp, dựa trên năng lực thực tế của doanh nghiệp và tận dụng được ưu đãi từ chính sách của tỉnh.

Được biết, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần này, tỉnh đã nhận 45 kiến nghị của doanh nghiệp. Lĩnh vực doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là chính sách về đất đai và giải phóng mặt bằng, ngoài ra các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều đến các lĩnh vực như: Nguồn vốn, du lịch, giao thông vận tải, thuế và phí, nông nghiệp, công tác thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp... Những kiến nghị về cơ chế hỗ trợ của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ. Đối với các câu hỏi của doanh nghiệp, tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương liên quan trả lời bằng văn bản trong thời gian nhanh nhất.

Một điều ghi nhận tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp của tỉnh lần này, đặc biệt là trong phiên đối thoại trực tiếp sáng 3/7, các nội dung kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Đây là kết quả đáng mừng, cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã phát huy hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao nội dung cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư mà tỉnh đã thực hiện thời gian qua.

Bày tỏ quan điểm sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp, sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tham góp nhiều ý kiến với tỉnh. “Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cam kết tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất kinh doanh của mình, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Hồng Nhung - Đỗ Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu