Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:22 (GMT +7)
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 15/10/2023 | 07:47:18 [GMT +7] A A
"Doanh nghiệp từ làng" hay "doanh nghiệp chân đất" là những điều nhiều nông dân Sơn Dương yêu quý đặt cho HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Việt Hưng (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) do chị Nguyễn Thuý Hà và 8 thành viên khác đảm nhiệm. HTX được thành lập tháng 8/2021, rồi chuyển "từ phố lên rừng", gắn bó với "vựa" nông sản này.
Lý giải chuyện này, chị Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc HTX kể: “Trước năm 2021 khi chưa thành lập HTX, chúng tôi liên tục có cơ hội đi tham quan ở Sơn Dương, "vựa" nông sản lớn ở Hoành Bồ (cũ) nhưng thường xuyên chịu cảnh “được mùa mất giá" thảm hại. Qua tính toán cho thấy, nếu xây dựng được thương hiệu, sản xuất sạch, hữu cơ, nguồn thu sẽ rất lớn”.
Vốn là những người có kinh nghiệm, HTX định hướng làm nông nghiệp sạch vốn là điều người tiêu dùng mong đợi. Qua nghiên cứu, HTX quyết định phát huy điểm này, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh là ổi lê, khau nhục truyền thống Sơn Dương và trà thảo dược từ gạo lứt, đỗ đen, xạ đen được canh tác tại chỗ.
Ban đầu, HTX rót vốn, thuê đất, trồng thử nghiệm rồi vận động người dân tham gia, liên kết. Bất ngờ là ý định sản xuất hữu cơ, sản xuất sản phẩm sạch ban đầu bị phá sản bởi nông dân không muốn bỏ cách canh tác truyền thống vốn cho kết quả, năng suất ngay sau 1 vụ mùa canh tác. “Công sức của HTX, đặc biệt là số vốn 2 tỷ đồng của tôi dành dụm đã dần cạn. Điều này khiến Ban Giám đốc khá lo lắng” - chị Hà kể.
Giai đoạn này, có thời điểm nông sản, hoa quả, đặc biệt là sản phẩm ổi lê Hoành Bồ ở đây đúng vụ tháng 7, 8 được mùa nhưng bị ép giá, có lúc chỉ 2.000-5.000 đồng/kg. HTX quyết định xây dựng lại thương hiệu bằng cách tìm hiểu, sáng tạo thành công loại phân bón sinh học từ chế phẩm vi sinh, đậu nành, cá... Chế phẩm này được thí điểm trên cây ổi trồng ở thôn Vườn Rậm vốn có diện tích canh tác kém màu mỡ nhất, cho quả ổi sản lượng cao chính vụ, đặc biệt cho quả ổi lê to, ngọt trái vụ, đạt giá trị kinh tế cao.
Từ thành công này, quả ổi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đã có 52 hộ dân tham gia mô hình, diện tích canh tác đạt trên 12ha. Tiếp đó, HTX đã nghiên cứu, đưa ra quy trình sản xuất các sản phẩm thế mạnh đặc thù: Khau nhục, ổi lê và trà gạo lứt đỗ đen xạ đen...
Theo đó, HTX kết nạp các thành viên, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, giám sát chất lượng đồng thời bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, HTX cũng tổ chức nhóm 12 hộ gia đình giỏi nấu khau nhục mang hương vị đặc trưng, đăng ký nhãn hiệu tập thể; tổ chức canh tác gạo lứt, đỗ đen, xạ đen tại chỗ làm nguyên liệu chế biến trà thảo dược...
HTX cũng xây dựng quy trình sản xuất, vận động hướng dẫn bà con trong xã tham gia sản xuất, chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thương hiệu sản phẩm. HTX đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn mời các chuyên gia thương hiệu giống cây trồng Phú Nông, vụ, viện nghiên cứu về để tập huấn kỹ thuật.
Nhờ đó, các sản phẩm OCOP ổi lê, khau nhục, trà gạo lứt, đỗ đen và xạ đen... lần lượt được công nhận OCOP hạng 3-4 sao năm 2022. Với cách vận hành kết hợp cùng người dân, các sản phẩm OCOP trên được tiêu thụ rộng rãi, trong đó riêng từ đầu năm đã bán ra thị trường 1,3 tấn khau nhục, mang lại doanh thu 260 triệu đồng. Sản phẩm ổi lê cũng đạt giá trị trung bình 18.000 đồng/kg ổi, tạo thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/sào ổi, cao hơn nhiều so với cách canh tác truyền thống...
Từ việc thua lỗ, đến năm 2022, doanh thu của HTX đã đạt trên 5 tỷ đồng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, đặc biệt tạo nên nhiều triệu phú nông dân ở vùng quê Sơn Dương. Mang lại nhiều đổi mới, HTX nhiều lần được TP Hạ Long khen tặng trong phong trào doanh nghiệp sản xuất giỏi, doanh nhân tiêu biểu... Đặc biệt, HTX vừa được UBND tỉnh khen tặng cho sản phẩm OCOP nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu vào trung tuần tháng 10/2023.
"Hiện các sản phẩm OCOP của HTX đã được định hướng xây dựng nhãn hiệu tập thể; ổi lê được cấp mã số vùng trồng... Chúng tôi cũng kết hợp với UNDP Việt Nam xây dựng các sản phẩm ổi lê sạch, không rác thải nhựa. Với triển vọng đó, chúng tôi hy vọng đưa được các sản phẩm OCOP mang đặc trưng địa phương đi xa, tiến tới xuất khẩu, thay đổi cơ bản đời sống người nông dân" - chị Hà chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()