Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 08:16 (GMT +7)
Doanh nghiệp Việt khai phá thị trường Halal
Thứ 6, 27/12/2024 | 14:38:17 [GMT +7] A A
Các quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới như Indonesia, Malaysia, khu vực Nam Á, Pakistan, Bangladesh... sử dụng thực phẩm Halal đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam với số lượng lớn.
Mở rộng thêm nhà máy, đa dạng sản phẩm nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến sâu để "chiều" người tiêu dùng... là cách mà các doanh nghiệp Việt đang thực hiện nhằm mở đường vào thị trường Halal, với những yêu cầu nghiêm ngặt theo luật Hồi giáo.
Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu thực phẩm Halal ước đạt 7.700 tỉ USD vào năm 2025 và dự kiến tăng lên 10.000 tỉ USD vào năm 2028. Trong khi đó, dân số Hồi giáo đang chiếm khoảng 24% dân số thế giới và có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2050.
Thị trường Halal mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt nhưng cũng kèm theo không ít thách thức. Xuất phát từ quy định khắt khe của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm Halal xuất khẩu của VN chủ yếu là nông sản.
Nông sản chế biến của Việt Nam được ưa chuộng
Có mô hình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi gia cầm và cho ra sản phẩm cuối cùng là trứng, thịt gà và các sản phẩm chế biến liên quan, bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân - cho biết các sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay nhưng chỉ mới có trứng gà đón "làn gió mới" vì gắn tiêu chuẩn Halal.
"Sản phẩm trứng gà Ba Huân có mặt ở 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Malaysia. Ngoài trang trại ở tỉnh Bình Dương, chúng tôi đang xây thêm trang trại ở Bến Lức (tỉnh Long An), nâng tổng sản lượng lên 2 triệu trứng/ngày nhằm cung ứng cho thị trường các nước Hồi giáo. Chúng tôi đã có giấy chứng nhận chuẩn Halal, chỉ cần chờ thị trường mở mã, trứng gà Việt Nam sẽ lên bàn ăn thị trường này", bà Huân nói.
Trong khi đó, hơn 10 năm làm sản phẩm nha đam và thạch dừa xuất khẩu vào thị trường Trung Đông theo tiêu chuẩn Halal, ông Nguyễn Văn Thứ - giám đốc Công ty GC Food - cho rằng cơ hội ở thị trường này rất lớn. Trong 10 năm, tệp khách hàng của GC Food ở phân khúc sản phẩm chuẩn Halal tăng lên dần. Sản lượng đơn hàng cũng nhiều lên. Bán được đối tác này sẽ dẫn dắt thêm đối tác khác.
"Quan trọng là quy trình sản xuất của mình phải chuẩn và đảm bảo. Không chỉ riêng thị trường Trung Đông, dòng sản phẩm tiêu chuẩn Halal được quan niệm tốt cho sức khỏe, nên nông sản chế biến của Việt Nam hay GC Food nói riêng cũng đang có "thế" ở Philippines, Malaysia...", ông Thứ thông tin.
Các quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới như Indonesia, Malaysia, khu vực Nam Á, Pakistan, Bangladesh... đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam với số lượng lớn. Vì thế, một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều chế biến ở tỉnh Đồng Nai vừa đầu tư một dàn công nghệ máy móc từ Nhật Bản, để nâng chất lượng của hạt điều vào thị trường Halal.
"Hạt điều Việt Nam chế biến nếu đúng chuẩn rất thơm, ngon, vị "rất Halal", nên khách nước ngoài tăng đơn hàng. Có nguyên liệu thô nhưng công nghệ "xịn", hàng sẽ được nâng hạng. Dự kiến tháng 1-2025, toàn bộ máy móc mà chúng tôi đặt trước 3 tháng sẽ có mặt ở nhà máy. Có hàng chuẩn sản phẩm Halal, khi đó chúng tôi sẽ mạnh dạn ký hợp đồng lớn và giao xa", chủ doanh nghiệp này cho biết.
Chuẩn Halal lâu dài vẫn phải là chất lượng
Do chưa có quy định chung về chứng nhận Halal, mà mỗi thị trường có một số yêu cầu riêng. Vì thế, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, điều quan trọng là đầu tư chất lượng sản phẩm. Theo ông Thứ, có rất nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội từ thị trường Halal, nhưng lại "bị nhầm" vì nghĩ có tấm "hộ chiếu" Halal là thắng lớn ở thị trường này.
"Đạt tiêu chuẩn Halal chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ vẫn là chất lượng sản phẩm. Một miếng bánh to, với nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới nhắm đến, tức là lúc nào cũng cạnh tranh lớn. Ngoài giá cả hợp lý, chúng ta chỉ thắng lớn khi hàng Việt có chất lượng cao. Mỗi năm nâng chất lên để sản phẩm chiếm trọn sở thích người tiêu dùng ở thị trường này mới bền vững", ông Thứ phân tích.
Quy trình sản xuất bài bản, hệ thống đầu vào của nguyên liệu, quy trình canh tác và cả những tiêu chuẩn về giống của sản phẩm trồng trọt... cũng phải đảm bảo, để hoàn thiện một chứng nhận Halal bền vững. Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất để áp dụng cho tất cả các nước, mà nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình chứng nhận với những thủ tục khác nhau.
"Nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal, ví dụ như chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO... và được người Hồi giáo ưa chuộng. Chưa kể nông sản Việt có thể chinh phục thị trường hàng ngàn tỉ USD nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các nước từ Hiệp định thương mại tự do (FTA)... Nhưng nhìn lại, bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất chưa có, nó là rào cản lớn đối với các sản phẩm muốn thâm nhập thị trường này", vị này nói.
Theo một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nước Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm lên tới 80%, tương đương 40 tỉ USD mỗi năm. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của thị trường này lại tương đồng với thế mạnh của Việt Nam. Chưa kể, mức thuế nhập khẩu rất thấp, chỉ từ 0 - 5%, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
"Cơ hội là rất nhiều nhưng vẫn có nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối diện khi xuất khẩu. Vấn đề quan trọng là vẫn phải xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường một cách bài bản. Từ đó làm nền tảng cho việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp...", vị này nhấn mạnh.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()