Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 00:57 (GMT +7)
Độc đáo “kho tàng” búp bê Nhật Bản
Thứ 2, 20/06/2022 | 11:37:38 [GMT +7] A A
Nhiều khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ, đến với triển lãm “NINGYŌ: Nghệ thuật và Vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đều ngạc nhiên, thích thú khi lần đầu tiên được tiếp cận với gần như toàn bộ lịch sử và tinh hoa của văn hóa búp bê nổi tiếng từ xứ sở hoa anh đào.
67 búp bê được tuyển chọn, trưng bày có màu sắc tinh tế, trang phục đa dạng, biểu cảm sinh động trên khuôn mặt. Càng ý nghĩa hơn khi người xem đọc các thuyết minh về mỗi búp bê và hiểu biết về sự công phu khi chế tác búp bê, cũng như các câu chuyện gắn với văn hóa, lịch sử của đất nước Nhật Bản. Đại diện Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Suốt hàng trăm năm qua, búp bê hiện diện ở nhiều mặt của đời sống hằng ngày, kể cả trong triều đình Nhật Bản và cuộc sống của người dân bình thường. Hơn nữa, những loại búp bê đó cũng là thành tựu tiến bộ nhìn từ cả quan điểm của nghệ thuật và nghề thủ công hiện đại. Việc nhiều mẫu búp bê thực sự đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật cao là một điều cực kỳ hiếm khi so sánh với văn hóa búp bê được thấy ở những nơi khác trên thế giới…”
Nghệ thuật búp bê Nhật Bản phát triển bắt nguồn từ phong tục và nghi thức bảo vệ trẻ em. Từ thế kỷ thứ 7, người ta đã thổi hồn vào những con búp bê đơn giản được làm từ ván gỗ, giao cho chúng sứ mệnh xua đuổi tà khí, đem lại may mắn, cầu nguyện cho những đứa trẻ. Người dân đất nước “Mặt trời mọc” luôn mong muốn một cuộc sống tốt đẹp và làm ra những hình người nộm có hình dáng như con người. Bản điển hình được thấy rộng rãi ngày nay như búp bê Hina (Lễ hội Nhật Bản Hina matsuri). Đó cũng là nội dung phần đầu tiên của triển lãm: “Búp bê dùng để cầu nguyện cho trẻ em khôn lớn”.
Bắt nguồn từ thời Heian (794-1185), một con búp bê với thiết kế đơn giản có tên là Amagatsu được làm ra lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển đổi từ búp bê nghi lễ sang búp bê đồ chơi. Búp bê Amagatsu đã được triều đình Nhật Bản sử dụng trong hơn 1.000 năm cho đến nay. Hình dáng của búp bê này vô cùng đơn giản chỉ với thân hình chữ T vì chúng phần nhiều được sử dụng giống như móc treo quần áo cho trẻ sơ sinh.
Dòng búp bê tiếp nối của búp bê Amagatsu là búp bê Hoko, được làm bằng vải thô trắng độn, và đặc biệt là tóc của búp bê Hoko được kết từ sợi tóc thật. Cả hai loại búp bê này đều được dùng để cầu nguyện sức khỏe cho các em bé. Chúng được đặt cạnh trước và sau khi sinh ra như để thay mặt cho đứa trẻ tránh khỏi những điều ác dữ, không lành.
Kỹ thuật sản xuất búp bê Nhật Bản phát triển, búp bê bắt đầu được yêu thích như một tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Những con búp bê được chế tạo điêu khắc với màu sắc tinh tế, quần áo tinh xảo, đã thoát ra khỏi khuôn mẫu đồ chơi để bước sang lĩnh vực mỹ thuật. Cũng vì thế mà ra đời các tạo hình “Búp bê với vai trò tác phẩm nghệ thuật”. Những con búp bê được làm thủ công tinh xảo rất được ưa chuộng bởi giới thượng lưu và đặc biệt là triều đình Nhật Bản. Chẳng hạn như Búp bê Isho: Fuji Musume (Thiếu nữ hoa tử đằng). Búp bê này mô tả điệu múa truyền thống của Nhật Bản đại diện cho tinh thần khiêu vũ của loài hoa Fuji xinh đẹp. Cách đọc phát âm của từ Fuji gần với các từ chỉ sự an toàn và độc đáo vì vậy búp bê này được coi là một điềm lành. Toàn bộ vải vóc, cách dệt, nhuộm màu đều giống hệt với cách may trang phục của người thật.
Phần thứ ba của triển lãm giới thiêu các “Búp bê với vai trò nghệ thuật dân gian”. Trên khắp Nhật Bản, văn hóa búp bê bắt nguồn từ các khu vực địa phương đã nở rộ trong giới bình dân. Búp bê thường được làm từ các vật liệu rẻ tiền hơn như đất sẻ, giấy và gỗ, với nhiều kiểu dáng đặc biệt, đều có chung chủ đề là nụ cười nhân ái. Thí dụ như búp bê Ryukyu Hariko: Chin-chin uma đến từ thành phố Naha, Okinawa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những con búp bê này miêu tả phong cách cưỡi ngựa của gia đình hoàng gia từ thời vương quốc Ryukyu (1429-1879). Bánh xe được gắn vào đế của con búp bê để người chơi có thể đẩy chúng chạy. Ở mẫu búp bê cũ, thiết bị trong đế có thể tạo tiếng kêu ching-ching, kết hợp với tiếng Nhật có nghĩa là ngựa hoặc uma thế nên búp bê có tên là chin-chin uma.Ngày nay, văn hóa búp bê cũng đã mở rộng sang thế giới của các lĩnh vực tạo hình khác. Ngày càng nhiều nhà sáng tạo, nghệ sĩ tài năng làm ra các sản trau chuốt và độc đáo, khiến búp bê không chỉ là đồ chơi mà còn là quà lưu niệm, trưng bày... được ưa chuộng sưu tầm cả trong và ngoài Nhật Bản. “Truyền bá văn hóa búp bê” vì thế là một nội dung quan trọng của triển lãm. Chẳng hạn như Oshie là một phương pháp cắt giấy dày dọc theo một thiết kế, bọc từng phần lại bằng vải, sau đó kết hợp các phần lại thành bức phù điều. Mẫu búp bê này mô tả nhân vật chính của một cảnh xa hoa trong vở kịch Kabuki, và Dojoji là một cô gái đang yêu đơn phương. Đối với loại hình này, búp bê Oshie sẽ được gắn thêm vào một chiếc vợt được sử dụng trong một trò chơi truyền thống của Nhật Bản giống như cầu lông. Người ta tin rằng trưng bày búp bẻ này sẽ giúp xua tan vận rủi. Hoặc búp bê mô phỏng 3D các nhân vật trong trò chơi điện tử (game) nổi tiếng, truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime)... chinh phục người hâm mộ toàn thế giới.
Từ những hình nộm nguyên mẫu cho đến những con búp bê bản địa phản ánh về khí hậu và những giai thoại trên khắp đất nước được trang điểm, mặc quần áo… đều được vun đắp từ tình yêu búp bê sâu sắc của người dân Nhật Bản. Tại triển lãm, một không gian giới thiệu nghệ thuật gấp giấy Origami cũng thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Theo Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, có khoảng 15 loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ lần lượt được giới thiệu qua các triển lãm lưu động tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()