Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:32 (GMT +7)
Độc giả cần thêm sách nói văn học
Thứ 6, 03/03/2023 | 16:42:40 [GMT +7] A A
Trên mạng xã hội, một số độc giả đã chia sẻ về nhu cầu nghe sách nói của mình, cho rằng đây là một hình thức đọc thuận tiện, dù vậy, số lượng sách nói văn học vẫn còn khá hạn chế.
Nhu cầu sách nói đang tăng cao trên thế giới và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Trong xã hội hiện đại, cuộc sống hối hả hơn, ngày càng nhiều người chọn nghe sách nói để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, lướt một vòng qua các nền tảng sách nói bản quyền phổ biến, nhiều độc giả nhận thấy kho sách nói còn hạn chế.
Lẽ dĩ nhiên, ta tìm thấy những tựa sách bán chạy lâu năm như Tư duy nhanh và chậm; Đắc nhân tâm; 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu; Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm...
Nhưng những tựa sách kể trên toàn là sách phi hư cấu, vậy còn văn học thì sao? Hẳn nhiên, vẫn có sách nói văn học, nhưng danh sách còn hạn chế hơn nữa.
Chia sẻ với Zing, độc giả H.G (Hà Nội) cho biết vì tính chất công việc, anh phải đọc rất nhiều tài liệu, đến khi đọc sách, anh dễ mỏi mắt, vì vậy anh chuyển sang nghe sách nói và thấy đây là một hình thức rất tiện. Tuy nhiên, khi tìm sách nói bản quyền tiếng Việt, số lượng sách văn học không đủ đáp ứng nhu cầu của anh.
Anh chia sẻ: "Phần lớn là những cái tên quen thuộc đã có từ lâu, văn học đương đại hầu như vắng bóng. Các tác phẩm đoạt giải cũng không thấy đâu".
Sau khi thử tìm sang các nền tảng khác, anh nhận thấy sách nói văn học tiếng Anh thì nhiều và cập nhật nhanh trên các nền tảng như Audible hay Scribd, nhưng sách nói tiếng Việt... đa dạng nhất có lẽ là trên Youtube.
Anh nói: "Một phần là tôi không muốn ủng hộ những kênh sách lậu, một phần là những kênh đó, sách nói chất lượng thấp, sử dụng phần mềm đọc tự động, nghe rất vô hồn, khó hiểu".
Nhiều hơn một độc giả đã than phiền về thực trạng này trên mạng xã hội. Họ đặt ra câu hỏi: "Dường như văn học không phải là ưu tiên của các hãng sách nói Việt Nam?".
Tài khoản N.N (TP.HCM) cho rằng nhu cầu sách nói ở Việt Nam chưa thực sự cao, nên người làm sách nói phải ưu tiên thị hiếu. "Truyện ma, trinh thám và tiên hiệp giờ chiếm đa phần. Muốn theo ý mình thì chỉ còn cách tải file text về bỏ vào phần mềm đọc bằng giọng google thôi".
Nhiều độc giả cho biết tìm sách nói bản quyền tiếng Anh không khó, tuy nhiên, đối với người có trình độ nghe hiểu tốt thì không sao, với người trình độ trung bình trở xuống, nghe sách nói tiếng Anh rất "mệt".
Sẵn sàng trả phí để tìm nguồn sách nói của Việt Nam chất lượng nhưng tìm mãi không ra, các độc giả bày tỏ nỗi thất vọng lên các diễn đàn yêu sách.
Thị trường sách nói trở nên đặc biệt sôi động trong giai đoạn dịch và vẫn đang trong đà phát triển không ngừng. Chia sẻ tại Hội thảo giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử hồi tháng 2, đại diện ứng dụng sách nói Voiz FM cho biết trong năm vừa qua, trung bình mỗi người dùng nghe trên 6 cuốn sách/năm, tương đương với số sách trung bình của người Việt Nam trong 2022.
Có lẽ với đà phát triển này, trong tương lai, các đơn vị sẽ có thể bổ sung thêm các đầu sách cho đa dạng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
"Ở Mỹ, sách nói được cập nhật liên tục. Người ta thuê diễn viên nổi tiếng để đọc sách cho diễn cảm, có các mục bình luận, đánh giá sách nói trên báo, có giải thưởng dành cho sách nói hay. Tôi mong rằng trong tương lại, thị trường trong nước cũng được sôi động vậy", anh H.G nói.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()