Tất cả chuyên mục

Bỏ lại ruộng đồng ở quê, hàng trăm nông dân từ các tỉnh phía Bắc đã rủ nhau lên cửa khẩu Móng Cái làm "cửu vạn" để rồi những đồng tiền công kiếm được đôi khi phải trả bằng máu và nước mắt...
"Cửu vạn" tha hương
Lần mò theo chúng bạn lên Cửa khẩu Móng Cái kiếm sống từ năm 17 tuổi, đến nay anh Chức đã có "thâm niên" 11 năm làm cửu vạn ở vùng biên ải này. Hàng ngày, công việc của anh Chức chỉ xoay quanh bến sông Ka Long, nơi tập trung thuyền bè chuyên chở hàng hoá qua lại khu vực biên giới Việt - Trung.
Anh Chức kể: "Mặc dù tớ cũng vốn là nông dân, ngày ở quê cũng gánh cũng gồng nhưng những ngày đầu mới lên Móng Cái làm "cửu", chân tay lúc nào cũng như muốn rời ra khỏi người, toàn thân đau nhức tưởng chừng như không thể chịu nổi bởi cả ngày chỉ biết còng lưng đẩy xe và bốc hàng, tối về đến nhà trọ là nằm vật ra giường.
Trong khoảng 1 tháng đầu, không dưới chục lần xách túi mò ra bến xe định về quê cho đỡ khổ, nhưng nghĩ lại thì về quê cũng có việc gì đâu ngoài việc ra đồng "bắt nạt con trâu", mà rồi đời chả biết đến khi nào mới khá được. Nghĩ vậy nên tớ cố gắng ở lại làm cùng mấy anh em đồng hương, đến giờ cũng khá lắm rồi".
"Khá lắm rồi" của Chức đó là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 30m2, một vườn rau, một cô vợ, 2 đứa con và 1 chiếc xe Wave Trung Quốc làm phương tiện đi lại. Vợ Chức cũng là người ở Bắc Ninh lên Móng Cái lập nghiệp bằng việc làm thuê cho một quán ăn nằm ở trung tâm thị xã. "Đến ăn cơm hơn tuần thì tớ mới dám bắt chuyện với bà xã, 2 tháng sau mới yêu nhau và 1 năm sau thì cưới" - Chức vừa nói vừa liếc nhìn cô vợ còn khá trẻ đang lúi húi tưới rau ngoài vườn.
![]() | ![]() |
Chồng trước, vợ sau, khật khừ kéo đẩy |
Cùng bỏ quê cửa khẩu kiếm sống cùng đợt với Chức còn có 8 thanh niên khác cùng ở Bắc Ninh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên tới vùng đất biên giới đầy rẫy những cám dỗ này, 5 người trong số họ đã nhanh chóng sa vào những thói hư tật xấu, đến khi tỉnh lại thì đã quá muộn.
Anh Sức, người cùng xã với Chức kể: "Hồi mới lên đây chúng nó cũng ngoan lắm, làm quần quật cả ngày, tối về cũng chỉ chén chú chén anh rồi ngủ tít. Vậy mà đùng một cái, một thằng dính "trắng" kéo theo mấy thằng khác "chơi cho vui". Thiếu tiền "chơi thuốc" là bắt đầu sinh ra trộm cắp vặt rồi cuối cùng thì có 4 thằng bị công an người ta gô cổ lại, một thằng thì sốc thuốc...".
![]() |
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người kiếm sống bằng nghề bốc vác |
Đàn ông tha hương đã khổ, phụ nữ kiếm sống xa quê còn khổ hơn nhiều bởi bên cạnh những hạn chế về sức khoẻ, họ còn phải đối mặt với nạn bạo hành và trăm ngàn những cay đắng, tủi nhục. Đưa tay vuốt những giọt mồ hôi đang lăn xuống trên má, chị Huệ quê ở Bắc Giang tâm sự: "Việc thì nhiều, tiền kiếm được cũng tốt nhưng nhiều đêm nằm một mình, nhớ quê, nhớ chồng con kinh khủng".
Cho dù kiếm sống rất vất vả bằng nghề đẩy xe hàng từ kho ra bến sông nhưng ngoài đôi bàn tay chai sạn, làn da sạm đi vì nắng gió, người phụ nữ mới 32 tuổi này vẫn giữ được nhiều nét xuân sắc và những nét đẹp vốn có của con gái xứ Sen Hồ. Chị Huệ vui vẻ kể: "Có không ít người tưởng tôi là loại "chồng chết, chồng chê, chồng bỏ", phải phiêu dạt kiếm sống xa quê nên đã buông lời gạ gẫm. Nhiều ông xe ôm còn đặt vấn đề "về sống với anh cho có nhau" nữa đấy".
"Đồng tiền kiếm được là máu và nước mắt"
Ở cái xứ biên ải này, dù chẳng ai nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi người, ai cũng tự nhủ rằng đồng tiền kiếm được nơi đất khách quê người không đơn giản chỉ là công sức mà còn có cả máu và nước mắt. Từ đám phu khuân vác, cánh xe ôm chở khách hay "kiến" chuyên chạy hàng lậu mà cả những người phụ nữ sống bằng nghề đổi tiền cho khách du lịch, "cò" hàng hoá, tất thảy đều đã phải trả giá. Và với không ít người, cái giá phải trả là quá đắt...
![]() |
Bến sông Ka Long - Nơi rất nhiều "cửu vạn" chọn làm nơi kiếm sống |
Kể về những tháng ngày bươn chải nơi đất khách quê người, chị Thuận - người Hà Tây cười buồn: "Hành trang lên cửa khẩu của tôi chỉ là một bọc quần áo, vài mối quan hệ họ hàng và 50 triệu đồng vay mượn từ anh em, bạn bè được nhét kĩ giữa đống quần áo. Lúc đi trên ô tô từ bến xe Gia Lâm ra Móng Cái, dù say xe "nặng" nhưng chưa lúc nào tay tôi rời khỏi túi xách.
Vậy mà mới làm ăn ở Móng Cái 1 tháng, tôi đã dính liền 2 quả "lừa". Quả "lừa" thứ nhất là do tôi chủ quan, thấy một bà buôn chuyến có vẻ gần gũi, thân tình nên khi bà ấy hỏi vay 2 chục triệu để lấy hàng gấp, 1 tuần sau trả cả lãi là tôi cho vay ngay mà không đòi hỏi gì. Vậy mà ngót 2 tuần sau chả thấy tăm hơi bà ấy đâu, hỏi ra mới biết bà ta nào có buôn bán gì, toàn vay tiền của mọi người để cờ bạc.
![]() |
Nghề đổi tiền - Một nghề dễ kiếm tiền nhưng cũng rất dễ phải "trả giá" ở vùng biên ải |
Sau quả "lừa" đó, tôi lại mất trắng 15 triệu nữa vì "đổi tiền thật lấy tiền giả". Hôm đó có mấy người nói giọng lơ lớ đến chỗ tôi ngồi để đổi tiền, họ bảo là cần đổi gấp ngoại tệ sang tiền Việt để đi lấy hàng. Do thiếu kinh nghiệm kiểm tra tiền thật - giả nên tôi đã giao cho họ 15 triệu để cuối cùng nhận được một mớ tiền giả, lại còn suýt bị công an bắt vì tội "tiêu thụ tiền giả" nữa chứ".
So với nhiều người, chỉ mất tiền như chị Thuận vẫn còn may mắn chán. Anh Huynh ở Bắc Giang xòe bàn tay bên trái chỉ còn có 3 ngón cho tôi xem rồi kể: "Hồi mới vào nghề "kiến" tha hàng lậu, tôi chạy xe bạo lắm. Đường rừng, đường núi, đường phố đông đúc lúc nào cũng phóng bạt mạng.
"Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", một hôm trời mưa chạy xe không để ý nên đâm phải một bà lão đi bộ qua đường. Bà lão ngất, tôi bị đập mạnh đầu xuống đất nên cũng ngất, cả trăm cây thuốc lá phía sau xe bị người ta "hôi" hết. Sau vụ tai nạn, tay trái nát bấy nên phải bỏ đi 2 ngón, lại còn phải đền tiền thuốc men cho gia đình bà lão và đền tiền cho chủ hàng nữa. Từ đó, tôi lại trở thành trắng tay".
"Không thiếu người lên đây kiếm ăn bị mất tiền bạc, thậm chí đổ máu như chúng tôi đâu" - Anh Đạm người Thái Nguyên kết luận. Anh Đạm kể: "Ngày trước, trên này làm ăn không được thoải mái như bây giờ đâu, muốn làm ăn ở đâu hay gia nhập nghề gì đều phải có thủ tục "đi lễ các đại ca" đấy. Nhóm tôi hồi kéo nhau lên đây có mấy cậu cũng ngang ngược lắm, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì...
![]() | ![]() |
Đội quân "kiến" - xe ôm vận chuyển hàng lậu có mặt ở mọi ngóc ngách của thị xã Móng Cái |
Tôi vẫn nhớ như in đêm cuối tháng 9/1995 ấy, nhóm tôi đi uống rượu say về, bị một nhóm khác cùng bốc vác ở bến Ka Long phát hiện ra. Họ mang bao nhiêu gậy gộc, dao kéo đến đuổi đánh. Lúc đầu anh em tôi cũng chống cự được, nhưng sau "quân địch" kéo đến đông quá nên chúng tôi mạnh ai nấy chạy. Tôi nhanh chân nên chỉ ăn vài cái gậy vào lưng, chân và đầu, còn mấy anh em khác đều bị thương nặng, có người chỉ ra viện sau khi đã trở thành người tàn phế".
"Khi ở quê nhà, cứ tưởng lên cửa khẩu là nhặt được tiền, nhưng lên rồi mới biết, đồng tiền chân chính kiếm được bằng công sức của mình bỏ ra chẳng bao giờ dễ dàng. 15 năm kiếm sống ở đây, càng ngày tôi càng thấy đời "cửu vạn" ở chốn biên ải này cũng chênh vênh lắm, chả biết lúc nào được, lúc nào mất, lúc nào trắng tay" - Ông Vượng - người Hải Phòng tâm sự.
Ý kiến ()