Tất cả chuyên mục

“Chuyện tình thời chiến tranh” là tập thơ mới nhất của Lê Duy Thái vừa được NXB Văn học ấn hành quý II năm 2014. Lê Duy Thái đã chọn đôi mắt là hình tượng xuyên suốt cả tập thơ. Đôi mắt cũng mở ra nhiều chiêm nghiệm về chiến tranh của tác giả...
Tôi đếm được trong 101 bài thơ của tập thơ này có tới 45 lần hình ảnh đôi mắt được tác giả nhắc đến. Trong đó có 5 bài đôi mắt được đưa vào làm tên cho tác phẩm; đó là: “Đôi mắt”, “Mắt ngọc”, “Mắt quê hương”, “Lời nước mắt”, “Đôi mắt Sài Gòn năm ấy”. Ấy là chưa kể, còn nhiều bài thơ khác, tuy không nói cụ thể, nhưng cũng khiến ta liên tưởng đến đôi mắt như: Giọt lệ, ánh nhìn, hàng mi v.v.. Một hình ảnh mà xuất hiện với tần suất dày đặc như thế trong một tập thơ mỏng rất dễ tạo cho bạn đọc cảm giác nhàm chán đơn điệu. Nhưng trong tập thơ này, Lê Duy Thái đã vượt qua được điều đó. Mỗi lần xuất hiện, hình ảnh đôi mắt lại lấp lánh một cảm xúc mới lạ, sinh động. Có ánh mắt hồn nhiên tình tứ. Đó là đôi mắt cô thôn nữ người lính mang theo suốt dặm dài chiến trận, đôi lúc người lính cũng không khỏi xiêu lòng: “Nhớ thương đôi mắt quê hương/ Tròn to chơm chớp, chặn đường hành quân” (Mắt quê hương). Có ánh mắt đầy ám ảnh, tưởng như cả đời sẽ không tìm lại được: “Trời ơi đôi mắt ấy/ Xanh biêng biếc hồn ta/ Một đời tìm kiếm lại/ Thăm thẳm ánh sao xa” (Đôi mắt). Lại có đôi mắt làm bùng cháy tâm hồn chàng lính trẻ trên đường hành quân: “Đôi mắt ngọn lửa chứa chan/ Hoa phong lan nở rủ vàng bờ khe” (Lặng nghe em hát). Không gian cũng thêm lãng mạn, có hồn nhờ ánh mắt thiếu nữ: “Đôi mắt trong veo đẫm lệ/ Đưa anh vào trận ngày mai/ Bờ sông sương bay lau trắng/ Xuồng em chuếnh choáng trăng soi” (Bao nhiêu bến đợi). Vì thế mà suốt đời ông cảm thấy mắc nợ: “Nợ em ánh mắt nhớ thương/ Những năm khốc liệt chiến trường có nhau” (Nợ).
Nhưng cùng với những dặm dài chiến tranh, cái hồn nhiên, thơ ngây ấy qua mau nhường chỗ cho ánh mắt thiếu phụ ngóng trông đợi chờ: “Ánh mắt vòi vọi riêng anh/ Trường Sơn mây bay gió thổi” (Lặng nghe em hát). Đọc câu thơ “Chong chong con mắt cuối phương trời” của Lê Duy Thái, người đọc dễ liên tưởng đến ánh mắt Thuý Kiều ngóng trông Từ Hải: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.
Có thể nói, ánh mắt người phụ nữ trong thơ Lê Duy Thái đã thành “bến đợi”: “Đi suốt chiều dài đất nước/ Qua bao núi rộng sông dài/ Để lại bao nhiêu thương nhớ/ Bến đợi trong những mắt ai” (Bao nhiêu bến đợi); “Em ngồi lặng ngắm mưa rơi/ Đăm đăm con mắt cuối trời Trường Sơn” (Người đàn bà ngắm mưa). Có những chàng trai không bao giờ quay về nữa và nước mắt thiếu phụ thành giọt lệ đá Vọng Phu. Có chàng trai quay về thì đã luống tuổi. Ánh mắt trao nhau không còn tươi trẻ như thuở ban đầu: “Hôn lên mái tóc trắng phau/ Mắt soi, mắt ngước đền nhau chút tình” (Mắt quê hương).
Người đọc nhận ra âm hưởng “Chinh phụ ngâm” trong thơ Lê Duy Thái: “Tay xưa ngân lại tơ đồng/ Cúi đầu giấu giọt lệ hồng chia xa/ Chiến tranh làm lỡ duyên hoa/ Tại đâu anh, chẳng phải là tại em” (Làn chèo). Nhưng cái khác hơn của Lê Duy Thái là đi vào khai thác nhiều sắc thái của nước mắt: “Mắt buồn giọt lệ long lanh”, “lệ vương mi buồn”, “ánh mắt mưa rơi”, “nước mắt lăn dài”, “nước mắt tuôn mưa”, “gối lệ đầm đìa”, “mắt đầy lệ trăng”, “mắt lệ trào sương mai” v.v.. Có giọt nước mắt chứa đầy khát khao: “Đêm qua mơ gặp lại/ Em tàn tạ héo mòn/ Ngước nhìn anh đẫm lệ/ Khao khát một nụ hôn” (Giấc mơ hay nỗi nhớ).
Đa phần là những giọt “lệ hoa” nhưng cũng có cả những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt người lính trận: “Giờ ở đâu em ơi! Se sắt buồn thương nhớ/ Chén rượu tưới cỏ xanh/ Long lanh từng giọt lệ” (Uống với cỏ). Hay: “Anh thương nước mắt đàn ông/ Anh đau giọt lệ má hồng em rơi” (Lời nước mắt). Đôi mắt người lính già trở về từ chiến trận bỗng ngấn lệ khi ký ức gọi về: “Bó hương đỏ, nấm mồ xanh/ Mắt xưa trong mắt long lanh lệ nhìn” (Gặp con gái người xưa).
Và có những ánh mắt chẳng thể xếp được vào loại nào, nó đan xen trộn lẫn nhiều xúc cảm: “Anh qua chợ Bến Thành/ Gặp em giữa những mặt cười hớn hở/ Anh dừng lại ở đôi mắt em/ Rất lạ!? Cháy lửa căm hờn, ướt lệ yêu thương/ Thăm thẳm ánh nhìn…” (Đôi mắt Sài Gòn năm ấy). Có ánh mắt hân hoan sum họp nhưng vẫn còn có gì đó xót xa: “Mắt đón mắt, mắt ghì riết mắt/ Tay run tay siết bỏng sợ rồi buông” (Về). Có đôi mắt sinh học nhưng có đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đôi mắt bên trong, đôi mắt tâm trạng: “Lối mòn cỏ hoa thắp sáng/ Tiếng chim rung cánh bằng lăng/ Tháng tư chiều mưa sắc tím/ Tự dưng lệ ứa trong lòng” (Tự dưng). Chỉ có đôi mắt tâm hồn mới thần diệu được như thế này: “Giặc vây trên lèn đá/ Khát nước liếm hạt sương/ Ngủ mơ nghe suối hát/ Long lanh reo mắt em” (Khát nước).
Có lẽ với Lê Duy Thái, “tài sản” lớn nhất mà ông nhận được từ những người phụ nữ là… nước mắt. Nó đưa ông qua nhiều tâm trạng, từ vương vấn, nhớ nhung, yêu thương đến xót xa, day dứt: “Cho anh nhiều thứ lắm/ Nước mắt càng nhiều hơn/ Đến giờ còn thánh thót/ Day dứt tâm hồn anh” (Nhớ). Viết về chiến tranh, Lê Duy Thái chọn hình ảnh đôi mắt làm điểm tựa và về một mức độ nào đó, đã chạm được đến những nỗi đau nhân bản…
Phạm Học
![]() |
Ý kiến (0)