Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:24 (GMT +7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai, đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống
Thứ 4, 06/09/2023 | 11:23:29 [GMT +7] A A
Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Cùng dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hội nghị hôm nay là thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện, chưa chú trọng đối với các luật, nghị quyết mới được ban hành.
Việc giám sát văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản; một số luật có số lượng nội dung quy định chi tiết nhiều, nhưng chưa bảo đảm tính cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay.
Đối với Chính phủ, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc.
“Trên cơ sở đó, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Đây cũng là nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Hội nghị sẽ đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
|
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hội nghị sẽ đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Một số nghị quyết về nhân sự, về chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề không thuộc phạm vi của hội nghị này.
Hội nghị sẽ nghe 2 báo cáo quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ khái quát về 4 nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, việc tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị.
Thứ hai, đánh giá một số vấn đề nổi lên về công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5.
Thứ ba, công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, hội nghị sẽ nghe các tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội, đây là những văn bản quan trọng, có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ.
Trong đó có việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ; việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; việc chuẩn bị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
Để hội nghị đạt được kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, thảo luận thẳng thắn, xây dựng, khách quan.
Các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu cần phản ánh sâu sắc, rõ nét, chính xác những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, cùng trao đổi, thống nhất những giải pháp khả thi, thiết thực, tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()