Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:21 (GMT +7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Thứ 7, 06/08/2022 | 10:14:59 [GMT +7] A A
Đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN trên địa bàn Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Sau 7 năm thành lập, quy mô người học của Trường Đại học Hạ Long đã tăng nhanh chóng, từ 3.210 HSSV (năm 2015) lên thành 4.886 HSSV (năm 2021). Trong đó, bậc đại học tăng từ 1.226 lên 4.059 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên nhà trường tốt nghiệp có việc làm cao, qua đó khẳng định uy tín của nhà trường đối với địa phương và khu vực.
Để đạt được kết quả này, Trường Đại học Hạ Long đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước, thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, giảng viên, tổ chức sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trường cũng triển khai mô hình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ của "3 nhà": Nhà trường (giảng viên, sinh viên) - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Đồng thời, điều chỉnh các chương trình đào tạo theo hướng mở, linh động để dễ dàng tăng cường khối kiến thức theo thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, giảng dạy, đánh giá chuyên môn.
Không chỉ vậy, Trường còn tích cực mở mới các ngành, chuyên ngành đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực. Tính đến năm 2022, nhà trường có 16 ngành đào tạo đại học.
Ông Trần Trung Vỹ, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Dự kiến đến năm 2030, nhà trường sẽ thực hiện đào tạo các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và liên kết đào tạo thực hiện chương trình đào tạo tiên tiến với các trường đại học uy tín ở nước ngoài. Đây chính là những định hướng quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của trường.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến nay tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, gồm: 2 trường đại học; 6 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm GDNN-GDTX; 20 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tổng số tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 là 22.107 người, đạt 57,42% kế hoạch năm 2022 và đạt 115% so với cùng kỳ năm 2021.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở GDNN và cơ sở tham gia hoạt động GDNN đã có nhiều giải pháp thiết thực, nhằm gắn kết đào tạo với thu hút, tuyển dụng lao động. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp ký kết với các doanh nghiệp về xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp tham gia phối hợp giảng dạy...
Bên cạnh đó, một số đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Mặt khác, nhiều cơ sở tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, hoạt động GDNN tại Quảng Ninh không ngừng được nâng lên về chất lượng, đáp ứng tính cạnh tranh cao trong thị trường lao động hiện nay.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()