Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:14 (GMT +7)
Đổi mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng
Thứ 3, 08/09/2020 | 11:31:41 [GMT +7] A A
Cùng với đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn bộ máy, đội ngũ, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này được thể hiện rõ qua chủ đề công tác hằng năm của tỉnh đều hướng đến giải quyết những vấn đề mới, khó, những vấn đề được nhân dân quan tâm. Bằng tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng bộ tỉnh thường xuyên rà soát, chỉ ra những hạn chế, yếu kém của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên để khắc phục.
Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh giao ban cho ý kiến một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của tỉnh, tháng 6/2020. |
Năm 2014, tỉnh xác định chủ đề công tác năm là "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp", đồng thời xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Đề án đã được Quảng Ninh triển khai từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các đối tượng chịu tác động và thông qua HĐND các cấp. Tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc làm việc, hội thảo với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, cơ quan trung ương. Trên cơ sở đó, đánh giá sâu thực trạng, phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém, làm rõ nguyên nhân, yếu tố tác động để đề ra các giải pháp khắc phục phù hợp.
Riêng đối với Đề án cấp tỉnh sau khi thông qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Đến nay, sau 5 năm đi vào cuộc sống, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu được nhiều kinh nghiệm quý, nhiều bài học không những chỉ có giá trị riêng với tỉnh, mà còn góp phần chung cho cả nước.
Điển hình như để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, Quảng Ninh xác định trước hết phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nâng cao khả năng dự báo, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”. Cùng với đó, cấp uỷ tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chính quyền, đảm bảo đúng thẩm quyền, không buông lỏng hay bao biện làm thay, nhất là thông qua mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện, 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố); lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, ngân sách, tài sản công; cải cách hành chính... Đồng thời thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị toàn tỉnh có đủ phẩm chất và năng lực thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ trách nhiệm, phù hợp với cân đối nguồn lực; lựa chọn đúng trọng tâm, đảm bảo tính khả thi, đột phá.
Cùng với đó, tỉnh mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng và công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm khách quan, minh bạch trong lựa chọn, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, thông qua thi tuyển, luân chuyển, điều động cán bộ bằng quy chế; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ bằng việc bỏ phiếu kín để quyết định các chủ trương lớn, quyết định công tác cán bộ. Đồng thời duy trì thường xuyên quy chế chất vấn trong Đảng, mở rộng phạm vi, đối tượng chất vấn; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để kịp thời nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, nhân dân…
Tỉnh thực hiện điều tra xã hội học để xác định sự nhìn nhận đánh giá của nhân dân đối với vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, niềm tin của nhân dân đối với Đảng; triệt để phân cấp, gắn với phân công, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu bằng các quy chế cụ thể; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bằng tổ chức, thông qua cơ chế vận hành gắn với tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước, giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Quảng Ninh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh để thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết với công dân; ban hành các cơ chế chính sách và thực hiện giám sát ngay từ khi bắt đầu tổ chức thực hiện. Tỉnh xây dựng các phần mềm kết nối, xử lý công việc giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng với các cơ quan chuyên môn của UBND… Nhờ đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng; tạo được sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên.
Các hộ dân tổ 7, khu 2 (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) trình bày nội dung kiến nghị với Hội đồng Tiếp công dân tỉnh, tháng 8/2020. Ảnh: Thanh Hoa |
Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đối thoại với người dân, tạo điều kiện cho người dân hiến kế, góp công, góp của để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Công tác cải cách hành chính đã gần dân và vì dân hơn. Trách nhiệm củng cố, xây dựng niềm tin cho nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị được quan tâm đẩy mạnh, thông qua công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung vào chỉnh sửa lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát dân, gần dân. Đồng thời, tỉnh nghiêm túc đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất; siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền.
Tỉnh đổi mới cách thức giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn cụ thể; rà soát, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục. Tỉnh tạo điều kiện phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, nhận xét của cấp ủy nơi cư trú với đảng viên là cơ sở, tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm.
Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực chất và hiệu quả, từ năm 2017, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác thanh, kiểm tra, giám sát của chính quyền. Qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân. Qua kiểm tra, giám sát giúp các cấp ủy đánh giá đúng tình hình, phát hiện những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời; phát hiện, uốn nắn những lệch lạc, hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; khuyến khích những cách làm mới, hiệu quả giúp các cấp ủy kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng trong thời gian tiếp theo.
Hoài Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()