Tất cả chuyên mục

Nhân huệ vương Trần Khánh Dư là con trai của Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Ông nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời nhà Trần...
Trần Khánh Dư là vị danh tướng sống và làm việc liên tục dưới 6 triều vua nhà Trần (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông). Từ khi tham gia và lập công trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, năm 1258 đến năm mất 1339 (sử sách không ghi rõ năm sinh của ông), ông đã nắm giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều đình, như Phó đô tướng quân, Phiêu kỵ đại tướng quân, Trật hầu, Tử phục thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ…
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, năm 1287, để bảo vệ vùng biên viễn phía Đông Bắc của Tổ quốc, Trần Khánh Dư được phong chức Phó đô tướng quân, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề an ninh ở Vân Đồn. Được giao trách nhiệm trấn giữ vùng biển, nhưng Nhân huệ vương đã không ngăn được giặc vượt qua An Bang tiến về Vạn Kiếp. Sau đó, gặp lúc Ô Mã Nhi ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, Khánh Dư đánh nhau với Ô Mã Nhi bị thua và “Thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh”. Nhưng đây cũng là lúc bản lĩnh của một danh tướng có tài được thể hiện rõ ràng nhất: “Khánh Dư nói với trung sứ: Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ theo lời xin đó” [Đại Việt sử ký toàn thư]. Hành động xin lập công chuộc tội của Nhân huệ vương vừa cho ta thấy được niềm tin vào chiến thắng và vừa cho ta thấy nhãn quang quân sự sắc bén, mưu trí, bản lĩnh của cá nhân ông. Kết quả là, “Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất phải theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều” [Đại Việt sử ký toàn thư].
Đánh giá về chiến thắng này của Trần Khánh Dư, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “…Ba đường tiến quân bằng thuỷ bộ của giặc Nguyên đều trông vào thuyền lương vận tải đường biển... Chẳng có ngờ đâu số lương 17 vạn thạch đã chìm hết ở Vân Đồn và Văn Hổ cũng đã chuồn từ lâu rồi. Đi đón đã lâu rốt cuộc lương không đến. Vì thế ba quân đói khát, lương thực đã không có, đồng nội cũng không cướp được gì. Tướng sĩ đều mang lòng căm phẫn. Ép họ chiến đấu thì họ trả lời: “Ốm đau không chiến đấu được”. Dụ họ ở lại thì họ trả lời: “Lương hết không thể ở lại được”. Họ đã quyết kế về thì không cần ta phải đuổi, tin thắng ở Bạch Đằng chỉ làm tăng thêm binh uy mà thôi…”. Còn Thượng hoàng Trần Thánh Tông thì nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?”.
Dưới thời Trần, Vân Đồn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Thăng Long, không chỉ có vị thế trọng yếu của một vùng biên viễn, mà Vân Đồn còn là địa điểm quan trọng trong hệ thống thương mại châu Á. Tại đây, ngoài tài năng quân sự, Nhân huệ vương còn có tư chất của một thương nhân rất thành thạo nghề buôn. Qua các nguồn sử liệu, có thể coi ông là một quý tộc có tư duy thương nghiệp điển hình nhất thời Trần. Dưới danh nghĩa văn hoá và an ninh, khi quân Nguyên thường xuyên cử nội gián thâm nhập và do thám tình hình nước ta qua hình thức giao thương, Nhân huệ vương đưa ra mệnh lệnh bắt buộc người dân ở Vân Đồn phải đội nón Ma Lôi: “...Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai ngầm báo người dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu. Do đấy, người trong trang tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải, số vải thu được đến hàng nghìn tấm” [Đại Việt sử ký toàn thư]…
Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của Trần Khánh Dư, người dân địa phương đã tôn ông làm Thành hoàng và thờ tự tại đình Quan Lạn, nghè Trần Khánh Dư, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Hàng năm, người dân trong vùng thường duy trì lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn) từ mùng 10 -20 tháng 6 âm lịch.
Nguyễn Trung Dũng (Ban Quản lý các Di tích trọng điểm QN)
Ý kiến ()