Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:22 (GMT +7)
Đổi rác lấy quà
Thứ 4, 20/04/2022 | 08:21:39 [GMT +7] A A
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và toàn xã hội. Chính vì vậy, chung tay bảo vệ môi trường, tập trung nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, nhằm thay đổi ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống đang được các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ. Từ sự vào cuộc tích cực này, đã có nhiều phong trào, hoạt động, mô hình hay, ý nghĩa mang lại hiệu quả thiết thực ra đời, từ đó góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Mới đây, tại Chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), Hội Nông dân tỉnh phối hợp với EPPIC Shop, Ban Quản lý Chợ Hạ Long I, Hợp tác xã Việt Hưng, CLB Handmade Chuyên Hạ Long triển khai chiến dịch “Đổi rác lấy quà”. Định kỳ mỗi tháng một lần người dân có thể mang các loại rác như giấy, nhựa, kim loại đến các điểm đổi quà để nhận về những món quà là đồ lưu niệm, vật dụng thiết yếu hoặc tiền mặt.
Thông qua chiến dịch nhằm tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng tham gia phân loại, thu gom tái chế rác, hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Với ý nghĩa về bảo vệ môi trường, hoạt động sát, thiết thực với cuộc sống thường ngày nên chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân trên địa bàn TP Hạ Long và lan toả sang các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Nhằm ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số, lan toả ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường trên môi trường mạng, ban tổ chức chiến dịch còn xây dựng app mGreen. Người dân tham gia chiến dịch có thể lựa chọn quà trước trên smartphone qua app mGreen; mỗi người tham gia được tặng một thẻ tích điểm phân loại rác mGreen tích hợp trên smartphone để khuyến khích việc phân loại rác thường xuyên hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Quảng Ninh có những hoạt động, chiến dịch ý nghĩa bảo vệ môi trường, mà trước đó đã có nhiều phòng trào như “Ngày chủ nhật xanh”, “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền”… được triển khai rộng rãi ở các địa phương. Như mô hình “Biến rác thành tiền”, “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế”, “Gạch sinh thái”… đã trở thành phong trào được nhiều tổ chức, hội, phường, xã trên địa bàn tỉnh triển khai không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, lan toả ý thức phân loại rác, mà còn là hoạt động góp phần hỗ trợ giúp đỡ những gia đình, hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Nổi bật gần đây nhất có mô hình "Ủ rác thành phân hữu cơ" hay “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Với ý nghĩa giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí mua phân bón cho người nông dân, mô hình đã và đang thu hút được nhiều người dân tham gia. Như tại huyện Tiên Yên, Hội LHPN huyện đã triển khai mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” tại 12 xã, thị trấn với hàng trăm hộ hội viên tình nguyện tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ xây dựng một bể xử lý rác hữu cơ và nguồn men vi sinh để ủ rác. Đến thời điểm này, các “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” đều hoạt động hiệu quả, không chỉ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, mà nguồn phân hữu cơ từ rác thải đem lại góp phần tiết giảm 20% chi phí cho việc mua các loại phân bón cho cây trồng.
Từ ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ môi trường và lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, mô hình "Ủ rác thành phân hữu cơ" hay “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” hiện được triển khai ở Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Hải Hà, Ba Chẽ… đạt được hiệu quả hết sức tích cực.
Những năm qua, mỗi chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng hơn, biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống, gây ra những nguy hiểm khôn lường. Để xảy ra tình trạng này phần nhiều là do chính con người chúng ta gây ra. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, trong đó việc làm đơn giản, thiết thực nhất là hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần như túi nilon, không xả thải ra môi trường, phân loại rác tại nhà, hoặc tích cực tham gia các phong trào, mô hình ý nghĩa về bảo vệ môi trường mà các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()