Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:47 (GMT +7)
Phòng, chống bệnh đái tháo đường
Thứ 5, 03/11/2022 | 08:18:21 [GMT +7] A A
Bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Hậu quả của bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người mắc. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường thường diễn biến rất thầm lặng, do đó cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường máu lúc đói.
Theo số liệu giám sát của Khoa Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng (CDC Quảng Ninh), tính đến tháng 10/2022, tổng số bệnh nhân đái tháo đường trên toàn tỉnh đã được phát hiện là 18.590 người, trong đó 15.936 bệnh nhân đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế.
Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hụt, hoặc mất hoàn toàn insulin, hoặc do sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin.
Bác sĩ Trần Minh Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng (CDC Quảng Ninh) cho biết: Bệnh nhân mắc đái tháo đường thường chịu nhiều tổn thương ở các cơ quan trên cơ thể. Đặc biệt, tim, thận, hệ thần kinh, mắt là những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý mạch vành, suy thận, mù lòa, tai biến mạch máu não, ảnh hướng đến thần kinh, tê bì chân tay mất cảm giác, loét hoại tử cắt cụt chi...
Bệnh đái tháo đường được phân thành các loại: Đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là hậu quả của quá trình hủy hoại các tế bào beta của tuyến tụy không thể tiết ra insulin. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 là do 95% các bệnh tự miễn gây lên, 5% là vô căn. Triệu chứng bệnh thường tiến triển nhanh, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, ăn nhiều, người gầy, sụt cân nhanh, mệt mỏi.
Đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90-95% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân mắc bệnh là do cơ chế đề kháng hoặc thiếu hụt insulin. Những người thừa cân béo phì, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường phát hiện muộn khi có biến chứng.
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2 trước đó. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi trước, trong và sau sinh.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đến khám và điều trị trong năm 2022 tăng rất nhiều so với năm 2021. Điều đáng quan ngại là nhiều bệnh nhân khi có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân thì mới đi khám, nên khi được phát hiện bệnh thì chỉ số đường máu rất cao, thường phải nhập viện điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường là đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường máu lúc đói. Khi xét nghiệm đường máu lúc đói phải nhịn ăn ít nhất 10 tiếng để xét nghiệm chuẩn xác. Bệnh đái tháo đường khi phát hiện muộn rất nguy hiểm, chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân đáo tháo đường nhập viện trong tình trạng cấp cứu bị nhồi máu cơ tim, đây là biến chứng nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng xuất hiện ở những người trẻ tuổi. Những năm trước bệnh nhân thường ở độ tuổi 50, hiện nay rất nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 30-40. Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần kiểm soát huyết áp tốt; đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, chất kích thích bia, rượu; dành thời gian nghỉ ngơi tránh căng thẳng; thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để nếu phát hiện bệnh có thể điều trị kịp thời. Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ phương pháp điều trị bộ 3: Uống thuốc đúng theo chỉ định, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện phù hợp.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()