Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:21 (GMT +7)
Đổi thay ở xã vùng cao Quảng Lâm
Thứ 6, 10/03/2023 | 08:09:17 [GMT +7] A A
Bằng sự quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Xã Quảng Lâm vốn thuộc diện khó khăn nhất huyện Đầm Hà, địa hình vùng cao, diện tích trải rộng, nhiều đồi núi chia cắt, dân cư phân tán; 96% dân số là đồng bào DTTS, trình độ dân trí và mức thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung toàn huyện. Do đó, xã xác định việc triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM là sự cần thiết để phát triển toàn diện, cả về KT-XH, cơ sở hạ tầng và chất lượng đời sống nhân dân...
Theo đó, Quảng Lâm tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu làm gương trong xây dựng NTM; phát huy vai trò dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của doanh nghiệp, tranh thủ các chương trình, dự án lồng ghép trong xây dựng NTM.
Từ năm 2022 đến nay xã đã tuyên truyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt đoàn viên, hội viên tại các bản được hơn 250 buổi, thu hút trên 2.000 lượt người tham gia; cấp phát trên 2.500 tờ rơi và treo 286 pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM...
Kể từ khi triển khai xây dựng NTM tới nay, người dân trên địa bàn xã đã hiến 58.282m2 đất, trong đó có 18.890m2 đất trồng cây hằng năm, 18.500 đất lâm nghiệp, 224m2 đất ở và sân bê tông, 912 cây cối các loại, đóng góp 12.230 ngày công cho xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng. Bên cạnh đó, người dân cũng đóng góp, lắp điện chiếu sáng tại 6 bản theo đường trục chính của xã với trên 150 bóng điện, chiều dài 7,8km đường.
Các công trình đập, kênh mương thủy lợi được đầu tư tăng diện tích chủ động nước, người dân có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dạy và học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân. Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm bảo vệ.
Là xã miền núi, phát triển kinh tế của người dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, để hỗ trợ xây dựng các mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm thực hiện tốt công tác khuyến nông, tổ chức tập huấn cho CBCC xã và hộ nông dân có năng lực, uy tín ở các bản; thường xuyên quan tâm phòng dịch, phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm. Xã Quảng Lâm đã xây dựng thành công nhiều mô hình hay, phát huy hiệu quả.
Đến nay, toàn xã có 12 gia trại nuôi lợn kết hợp sinh sản và chăn nuôi lợn thương phẩm, 200-300 con/lứa cho thu nhập 200-500 triệu đồng/mô hình; có 3 mô hình nuôi chăn nuôi gia cầm từ 2.000-3.000 con/lứa cho thu nhập 200-300 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi đang phát huy hiệu quả tốt, các mô hình về trồng trọt cũng được quan tâm triển khai. Ngoài cây lúa, cây ngô truyền thống, nhiều hộ dân đã đưa cây ăn quả (cây hồng, cây nhãn, cây vải, cây bưởi...) vào trồng thành mô hình, cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, cho biết: Chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao với mục tiêu “Sản xuất phát triển - Diện mạo sạch đẹp - Cuộc sống sung túc - Thôn xóm văn minh - Quản lý dân chủ”. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình “Đường hoa - Tranh tường - Cảnh quan môi trường, bản, trường học, trạm y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn xanh - sạch - đẹp” gắn với xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh đảm bảo tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()