Tất cả chuyên mục

Bạn Phạm Thanh Hoa có số điện thoại 0982...685 có hỏi: Tôi hiện đang công tác tại Công ty cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước trên 51%, đang phụ trách công tác lao động tiền lương. Theo tôi hiểu trước đây các thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần không phải ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Xin hỏi theo quy định mới hiện nay thì những thành viên nào trong công ty không phải ký hợp đồng lao động, căn cứ pháp luật. Xin chân thành cảm ơn!
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:
Căn cứ Điều 15, Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định: Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Tại Khoản 1, 2, Điều 3 Bộ luật Lao động có nêu rõ khái niệm: 1, NLĐ là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo HĐLĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ. 2, NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ thì NSDLĐ có thẩm quyền ký kết HĐLĐ bao gồm: Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật uỷ quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX hoặc người được người đại diện theo pháp luật uỷ quyền đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức uỷ quyền đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có sử dụng lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ; người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền đối với cơ quan, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại điện của nước ngoài hoặc quốc tế đóng tại Việt Nam; chủ hộ hoặc người đại diện hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động; cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Như vậy, luật pháp đã quy định cụm từ: NSDLĐ và NLĐ để phân biệt một cách rất rõ nét vị trí, vai trò và thẩm quyền ký kết. Trong công ty thì người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ đại diện cho công ty ký kết HĐLĐ với tư cách NSDLĐ. Nếu giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty thì không phải là NSDLĐ, mà người đại điện theo pháp luật của công ty sẽ đại diện cho công ty thực hiện ký kết HĐLĐ với vai trò NSDLĐ.
Trước đây, tại Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ có quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng. Tuy nhiên, đến nay Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định số 44-2013-NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ. Tại Nghị định số 44/2013/NĐ-CP không quy định về các trường hợp không áp dụng HĐLĐ nữa. Như vậy, thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp nếu có liên quan về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động thì vẫn thuộc đối tượng phải ký HĐLĐ. Còn cán bộ chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp và người đại điện theo pháp luật của công ty thì không thuộc đối tượng phải ký HĐLĐ.
TT TVPL và Huấn luyện
ATLĐ Công đoàn
(điện thoại 0333.829961)
Ý kiến (0)