Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:54 (GMT +7)
Đội tuyển Quốc gia có nên sử dụng cầu thủ nhập tịch?
Thứ 7, 05/10/2024 | 08:41:59 [GMT +7] A A
Sau khi Rafaelson được cấp quốc tịch Việt với tên mới Nguyễn Xuân Son, rất nhiều người hâm mộ mong đợi tiền đạo gốc Brazil sẽ được triệu tập lên tuyển, mở đường cho những cầu thủ nhập tịch khác. Vậy điều này có nên không?
“Nên”, BLV Vũ Quang Huy khẳng định, “Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch, kể cả những người không mang dòng máu Việt, là chuyện nên làm. Đội tuyển rất cần lực đẩy mới từ những con người mới, với thể lực, vóc dáng cũng như bộ kỹ năng tốt”.
BLV Ngô Quang Tùng cũng chung quan điểm. Ông cho biết: “Nhập tịch cầu thủ không phải cái gì đó mới, bởi đang là xu thế chung của bóng đá trong một thế giới phẳng, hệ quả của dòng chảy thời đại, những luồng di cư cả về con người cũng như văn hóa.
Dĩ nhiên mỗi quốc gia, để nâng cấp đội tuyển, có những cách làm khác nhau. Chúng ta thấy thời gian gần đây Indonesia liên tục chiêu mộ những “Indo kiều”, mang dòng máu xứ vạn đảo. Tại Việt Nam công cuộc này vẫn đang tiến hành, nhưng chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sử dụng những cầu thủ ngoại nhập, tức nước ngoài 100% cũng là một phương án”.
Dưới góc nhìn của một người nhiều năm làm công tác huấn luyện, HLV Phạm Minh Đức nhận thấy cầu thủ nhập tịch có thể là giải pháp cho hạn chế cố hữu của cầu thủ Việt (cũng như Đông Nam Á), chính là “yếu tố thể hình, thể lực”. Thật không may, điều này không thể cải thiện ngày một ngày hai trong khi người hâm mộ luôn mong đợi những thành công.
“Cầu thủ nhập tịch có thể giúp khỏa lấp điểm yếu này”, ông nói, “Nhìn sang Indonesia sẽ thấy, nếu bỏ các cầu thủ nhập tịch, Indonesia không hơn Việt Nam. Nhưng với lực lượng hùng hậu những người ăn tập và thi đấu ở châu Âu, họ lột xác hoàn toàn. Tôi đã nghĩ Indonesia sẽ thua khi bước vào Vòng loại thứ ba World Cup 2026, vậy mà họ đã gây bất ngờ khi cầm hòa cả Saudi Arabia và Australia”.
Ở lần triệu tập cho FIFA Days tháng 10, Nguyễn Xuân Son chưa được triệu tập dù đã nhận quốc tịch Việt Nam. Nếu chỉ xét trên yếu tố chuyên môn, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng “mẫu cầu thủ chất lượng và ghi bàn tốt như Xuân Son rất cần, đồng thời tạo nên sự khác biệt cho đội tuyển Việt Nam”. Hiện tiền đạo gốc Brazil chưa đủ thời gian 5 năm sống trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của FIFA. Phải qua tháng 1/2025 anh mới đủ điều kiện thi đấu. Và chúng ta sẽ phải chờ để biết Xuân Son có được lên tuyển hay không.
Theo BLV Quang Tùng, vì là xu thế chung, chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch sớm muộn cũng xảy ra. “Nếu trở thành hiện thực, với cá nhân tôi, hoàn toàn có thể chấp nhận được”, ông chia sẻ, “Nếu một cầu thủ ngoại sở hữu chuyên môn tốt, khát khao cống hiến cho đất nước Việt Nam và đáp ứng các điều kiện về mặt pháp lý, chúng ta nên cởi mở và trao cơ hội cho họ. Đây là một trong những nguồn lực mà chúng ta không nên lãng phí”.
Trong quá khứ (giai đoạn 2008-2009) có 6 cầu thủ nhập tịch không có gốc gác Việt từng khoác áo ĐTQG. Đó là Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max (2 trận), Huỳnh Kesley Alves, Đặng Văn Robert, Đinh Hoàng La và Đinh Hoàng Max (1). Tổng cộng, họ ra sân 8 trận và không để lại nhiều dấu ấn tích cực.
Việc người hâm mộ Indonesia gần đây phản ứng mạnh với chính sách nhập tịch ồ ạt của LĐBĐ nước này, dù các cầu thủ đều có gốc Indonesia, cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm.
Thật ra trước đây bóng đá Việt tràn ngập cầu thủ nhập tịch và một vài người được triệu tập lên tuyển. “Thời kỳ đó, nhập tịch chỉ là cách các CLB lách luật, nhằm gia tăng số lượng ngoại binh. Nói cách khác, những cầu thủ đó được trả tiền để chơi với danh nghĩa nhập tịch, dẫn đến khi một số lên tuyển tạo ra điều tiếng không hay”, BLV Quang Huy nói.
Bây giờ mọi thứ đã khác khi những cầu thủ nhập tịch đã có thời gian dài chơi ở V-League, thấu hiểu văn hóa và thực sự mong muốn khoác lên mình màu áo ĐT Việt Nam. Tất nhiên, để tránh những trường hợp như trước hoặc dẫn đến nhập tịch ồ ạt, BLV Quang Huy cho rằng “cần xây dựng bộ tiêu chí chi tiết và cụ thể trước khi cấp quyền công dân”. Cá nhân ông cũng không lo lắng về phản ứng của người hâm mộ. “Con người Việt Nam luôn cởi mở, sẵn sàng mở rộng vòng tay đối với những cầu thủ yêu Việt Nam và sẵn sàng chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Đó là thứ tình cảm tạo nên mối quan hệ bền vững”, ông nói.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh, dù đi theo xu thế sử dụng cầu thủ ngoại nhập, phát triển bóng đá cơ sở, từ đào tạo trẻ đến hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, vẫn phải ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta nên hướng đến phát triển bền vững, tạo dựng nền tảng thật tốt cho đội tuyển từ chính những gì chúng ta có”, BLV Quang Tùng cho hay.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()