Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:16 (GMT +7)
Phát triển khoa học và công nghệ: Đòn bẩy cho KT-XH phát triển
Thứ 3, 19/07/2022 | 08:49:15 [GMT +7] A A
Ngày 1/11/2012, BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20). Thực hiện Nghị quyết này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngoài việc nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết 20 cũng đã góp phần quan trọng nhằm đưa các hoạt động KH&CN vào đời sống KT-XH. Qua đó, góp phần tạo động lực để các ngành, lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Ghi nhận nhiều sự chuyển biến
Thực hiện Nghị quyết số 20 của BCH Trung ương Đảng khóa XI, 10 năm trở lại đây, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có những bước nhảy vọt, trở thành đòn bẩy quan trọng đưa các ngành kinh tế của tỉnh tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa gắn với nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 45,45% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức KH&CN, nhà khoa học, để đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, thân thiện với môi trường. Tiêu biểu như tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 11 kỷ lục và tặng kỷ niệm chương “Tinh hoa kỷ lục” nhờ ứng dụng hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, sử dụng robot trong nhiều khâu sản xuất. Hay Công ty CP Thanh Tuyền Group sử dụng xỉ đáy và tro bay nhà máy nhiệt điển sản xuất được gạch không nung.
Các đơn vị ngành Than từng bước làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến như vì chống thủy lực, giàn mềm, tời cáp treo chở người, máng cao, tàu điện, khởi động từ, biến áp phòng nổ… đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác than và đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính. Hệ thống bệnh viện đã và đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, công nghệ AI vào khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Cùng với đó, mặt bằng sản xuất công nghiệp được nâng lên, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ hiện đại kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh; lực lượng cán bộ KH&CN của tỉnh có thể tiếp thu, làm chủ công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi.
Khẳng định vai trò then chốt của KH&CN
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, hoạt động KH&CN cũng đã ghi dấu ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Nhất là đã tạo được nền tảng để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của tỉnh. Trong đó, hạ tầng CNTT của tỉnh đã có những bước nhảy vọt mạnh mẽ.
Hiện Quảng Ninh đang tập trung xây dựng chính quyền điện tử với mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành với tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt trên 90%. Tỉnh cũng đã hoàn thiện kết nối, tích hợp giữa phần mềm hệ thống chính quyền điện tử với các bưu điện trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông công ích trong tiếp nhận và trả kết quả.
Đồng thời, Quảng Ninh cũng đã thực hiện kết nối liên thông cổng Dịch vụ công của tỉnh với nền tảng thanh toán trực tuyến chung “Cổng thanh toán quốc gia” và một số nền tảng dịch vụ thanh toán trung gian như: Ngân lượng, Momo, VNPT Pay... nhằm cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng thành phố thông minh với mô hình Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại tỉnh và các địa phương lớn như Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái…
Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 131 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển nông nghiệp toàn diện ở 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Kết quả thực hiện các đề tài, dự án, chương trình KH&CN trong nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế ở vùng nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, là các khu nông nghiệp công nghệ cao về nông sản, thủy sản, chăn nuôi… cũng từng bước được hình thành tại một số địa bàn động lực. Qua đó, từng bước đưa ngành nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Xác định KH&CN không thể tách rời mục tiêu phát triển KT-XH, trong giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục ưu tiên hơn nữa cho lĩnh vực này. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, lấy đây là đòn bẩy để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Qua đó, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp để nâng cao vai trò của KH&CN sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh trong những năm tới như là: Dành nguồn lực thích đáng cho KH&CN; phát triển đồng bộ hạ tầng, nhân lực KH&CN; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN…
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()