Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:05 (GMT +7)
TX Đông Triều Đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Thứ 5, 29/07/2021 | 10:41:59 [GMT +7] A A
Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị xã đạt 14,2%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 5.000 USD, tăng 35,1% so với năm 2015... Kết quả này là nhờ thị xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong mọi lĩnh vực.
Ứng dụng KHCN trong mọi lĩnh vực
Ông Lê Văn Tình, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”, nhiều nhiệm vụ, mô hình ứng dụng KHCN trên địa bàn thị xã đã được triển khai, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tiên phong là lĩnh vực công nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã quan tâm đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Điển hình như Tập đoàn Hoàng Hà xây dựng nhà máy gạch tuynel áp dụng công nghệ mới hoàn toàn tự động, giải phóng 95% sức lao động, tăng sản lượng từ 75 triệu viên lên 90 triệu viên/năm, tăng doanh thu, thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Công ty TNHH Thanh Tuyền Group đổi mới hoàn toàn công nghệ, tận dụng xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều để sản xuất gạch không nung phù hợp, sản lượng 50 triệu viên/năm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh ứng dụng thiết bị, công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho sản xuất gốm sứ gia dụng chất lượng cao. Công ty TNHH Tâm Vân Hạ Long đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất gạch bằng công nghệ của Nhật Bản, công suất tăng hàng chục lần so với phương pháp sản xuất thủ công... Hiện trên địa bàn thị xã có 4 doanh nghiệp KHCN.
Trong lĩnh vực giáo dục, thị xã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giảng dạy tại các trường học, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đầu tư xây dựng mô hình “Trường học thông minh”, "Lớp học thông minh" nhằm tối ưu hóa các thiết bị dạy học điện tử, kỹ thuật số hiện đại trong lớp học, tạo môi trường tốt nhất cho học sinh học tập. Năm học 2019-2020 thị xã có 141 phòng học thông minh…
Nhằm chăm sóc sức khỏe tốt cho nhân dân, ngành Y tế thị xã đã đẩy mạnh ứng dụng KHKT, đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, như: Hệ thống lọc máu liên tục, máy thở chức năng cao; hiện đại hoá phòng mổ với hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng cùng một loạt bộ dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa...
Trung tâm Y tế thị xã từ năm 2017 đến nay đã thực hiện 25 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu, có tính ứng dụng cao trong công tác phòng, chống, khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện. 21/21 trạm y tế cấp xã được kết nối mạng internet.
Huy động nguồn lực đầu tư cho KHCN
Thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của KHCN. Hằng năm thị xã bố trí nguồn ngân sách trên 4% để hỗ trợ cho các hoạt động KHCN. Thị xã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Quỹ phát triển KH&CN cấp tỉnh và một số quy định hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án để các doanh nghiệp, cá nhân tìm hiểu, đăng ký hỗ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng quỹ phát triển KH&CN...
Thị xã đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Hiện tỷ lệ CBCCVC của thị xã ứng dụng CNTT: Soạn thảo văn bản (98%), sử dụng thư điện tử (99%), khai thác internet (98%), sử dụng phần mềm nghiệp vụ (92%); 100% cán bộ, giáo viên các trường học sử dụng vi tính và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy.
Các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại, nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động, chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, thợ lành nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thị xã đạt trên 75%.
Từ năm 2018 đến nay, hằng năm thị xã dành tối thiểu 5% tổng chi ngân sách (5-6 tỷ đồng) để thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Năm 2017-2020, thị xã đã triển khai 18 nhiệm vụ KHCN thuộc 5 nhóm nội dung, tổng kinh phí hơn 28,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, cho biết: Địa phương đang tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng đẩy mạnh các hoạt động, mô hình, chương trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, công nghệ sinh học, bảo tồn, bảo vệ môi trường, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sản xuất than, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế số, quản lý nhà nước, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số. Thị xã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội và phát động, cổ vũ phong trào trong doanh nghiệp, doanh nhân đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN. Hàng năm thị xã dành tối thiểu 5% trở lên trên tổng chi đầu tư có tính chất sự nghiệp cho ứng dụng, chuyển giao KHCN; đồng thời huy động, lồng ghép, xã hội hóa nguồn vốn cho hoạt động KHCN.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()