Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 13:16 (GMT +7)
Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Thứ 3, 21/02/2023 | 10:32:27 [GMT +7] A A
Sáng 21/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định: cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn; lạm phát kéo dài; xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài; hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm.
Trong nước, nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể biến động lớn bên trong; chúng ta phải xác định bản lĩnh, linh hoạt, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện chịu sức ép đến cùng lúc từ cả bên trong và bên ngoài.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có nhiều giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, thúc đẩy đầu tư công vừa là nguồn lực cho sự phát triển.
Những năm vừa qua, thúc đẩy đầu tư công vẫn là nhiệm vụ nặng nề, việc triển khai gặp khó khăn, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ khiến chúng ta phải trăn trở, lo toan. Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm, tăng cường an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng...
Giải ngân vốn đầu tư công tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, tạo động lực cho phát triển, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ..., tăng cường kết nối địa phương, vùng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Giải ngân vốn đầu tư công tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, tạo động lực cho phát triển, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ..., tăng cường kết nối địa phương, vùng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trong hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì chính sách tài khóa, trong đó có đầu tư công, sẽ hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm cho chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kết hợp với các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,5% kế hoạch.
Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ngày càng nặng nề (tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so năm 2022). Trong khi đó, chúng ta phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp ngay từ ngày đầu tháng đầu thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng nguồn lực và động lực của sự phát triển; đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thực trạng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 với yêu cầu, khối lượng cao hơn. Kiến nghị các giải pháp hay, cách làm tốt, đưa ra mục tiêu giải ngân năm 2023 hơn 95% với tổng vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng; từ đó thống nhất nhận thức, hành động để quyết liệt thực hiện công tác này.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022: Tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch). Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương.
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/1/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 1/2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so năm 2021; với 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023: Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684.386 tỷ đồng; trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044.198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Đến hết ngày 17/2/2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 305.950.525 tỷ đồng, đạt 84,1%, vốn ngân sách địa phương là 289.665.478 tỷ đồng, đạt 84,4%.
Số vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 117.313,085 tỷ đồng (15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao); bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 63.697,521 tỷ đồng (33/51 bộ, cơ quan trung ương và 55/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch), vốn cân đối ngân sách địa phương là 53.615,564 tỷ đồng (19/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch).
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023: Ước thanh toán đến 31/1/2023 là 12.819,57 tỷ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 2,5%), toàn bộ là vốn trong nước (đạt 1,89% kế hoạch vốn trong nước). Trong tháng 1/2023, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: về xây dựng cơ chế, chính sách, đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tuy nhiên vẫn còn 3 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành.
Về phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: phương án giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, địa phương; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và các phương án giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.
Về thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022, theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến 30/1, đã giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương (khoảng 57% kế hoạch), còn 2/52 địa phương giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân vốn. Đến hết tháng 12 năm 2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023: Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 (bao gồm: 24.216,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, địa phương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.
Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kế hoạch vốn trung hạn còn lại được giao; Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án phân bổ. Đến hết ngày 17/2/2023, có 40/48 địa phương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()