Tờ mờ một sáng tháng 7, ở thời điểm mà người ở rừng U Minh Hạ gọi là "mùa ong nước", anh Phạm Duy Khanh (37 tuổi), chủ khu du lịch sinh thái Mười Ngọt chuẩn bị đi "ăn ong". Mặc sẵn áo sơ mi cùng quần dài, anh đội thêm mũ lưới, là thứ mà ong rất sợ vì tưởng mạng nhện. Hoàn tất đồ bảo hộ, anh không quên mang thêm dao cắt, thau nhôm, thùng chứa mật, bó đuốc.
Vừa đi, anh vừa phạt những bụi cỏ lau mọc cao quá đầu người, tìm ra những ngóc ngách bị che khuất, mà anh đã thuộc lòng ở khu rừng này. Tới gần tổ ong dài cả mét, anh khẽ đốt bó đuốc cuốn từ xơ dừa. Đôi bàn tay rám nắng khẽ khuơ qua lại, khói xám tỏa ra nhưng không gây ngạt, vài con ong bay ra khỏi tổ. Vừa làm, anh vừa giải thích rằng "ăn ong" vào sáng sớm sẽ giúp ong không bị say, bay loạn xạ làm rối tổ, giảm năng suất lấy mật.
Lúc này, chỉ khoảng 1-2 phút, anh cầm dao cắt 3 đường sắc lẹm. Đường đầu tiên từ đầu kèo ra sau, tách khúc mứt (nơi dự trữ mật) ra khỏi tàng ong (nơi ong ở). Đường thứ 2, thứ 3 cắt dọc để khúc mật rời khỏi tổ. Mỗi tảng sáp ong vàng ươm như nghệ được cắt dài chừng 30 cm, xếp gọn trong thùng, từng dòng mật đặc quánh từ đây chảy ra.
Cứ như vậy, anh cùng nhiều người thợ đi vòng quanh những kèo đã "chín" mật để thu hoạch. Dưới bàn tay của những người thợ lành nghề, mỗi tổ ong có thể lấy được 3-4 lần, trước khi kết thúc mùa "ăn ong". Với anh Khanh, đây cũng là điều anh tự hào và yêu nhất về công việc của mình.
Hơn 20 năm "làm nhà" cho ong
Từ những năm 1999, anh Khanh theo cha từ huyện Cái Nước chuyển tới huyện Trần Văn Thời, nơi có cánh rừng U Minh Hạ quanh năm bạt ngàn tràm xanh. Nhận thấy ở đây có nhiều ong về lấy mật ở bông tràm, cũng là cái nôi của nghề gác kèo ong, hai cha con xin đi theo học. Người làm nghề gác kèo không đi riêng lẻ, mà làm nhóm 3-5 người, rồi cùng chia nhau thành quả. Mỗi nhóm sẽ có khoảnh đất khoán riêng của một cá nhân để dựng kèo ong. Các tổ chức gác kèo ở rừng U Minh được gọi là "Phong ngạn", họ có quy định ngầm là lấy mật từ rừng thì cũng phải bảo vệ rừng.
Với anh Khanh hay biết bao người thợ khác, nghề gác kèo cho ong cũng quan trọng như xây nhà cho người ở. Để thành công thì phải biết quan sát, tìm hiểu tập tính của ong và rút kinh nghiệm qua mỗi lần đi rừng. Anh Khanh cho biết, gác kèo ong được một năm, anh dần mê nghề vì thấy mình là một phần gần gũi trong cánh rừng, đặc biệt có nguồn thu kinh tế. Cứ thế đến nay đã hơn 20 năm anh gắn bó với U Minh Hạ, thấy hàng nghìn kèo ong được dựng nên và bạt ngàn ong về làm tổ mỗi năm, nhiều hơn hẳn cái thời anh mới về đây.
Anh chia sẻ, kèo ong có thể được làm từ cây cau, cây bình bát... nhưng người lành nghề thường chọn cây tràm, vì bền, không dễ mục và hư hỏng. Cây được chọn là cây thẳng, có đường kính hơn 10 cm, sau khi lột vỏ, phơi khô và mài láng mịn thì có thể dựng kèo. Trụ của kèo gồm một cây dài, một cây ngắn và kèo gác bên trên, tạo độ dốc khoảng 45 độ, thích hợp để ong về làm tổ.
Từ tháng 3 hay tháng 11 trở đi, khi tràm trổ bông trắng xóa cánh rừng, cũng là lúc ong kéo về làm tổ, những người thợ đã gác kèo trước 2 tuần. Nơi gác kèo rất cần khoảng trống, có ánh nắng mặt trời. Khu vực xung quanh kèo sẽ được dọn mỗi 10-15 ngày để thông thoáng. Những lần đi làm vệ sinh như vậy, cũng cần kiểm tra kèo nào có tổ, kèo nào không hay kèo có vấn đề gì thì phải sửa lại.
Với anh Khanh, nghề gác kèo không khó nhưng phải là người đi rừng lâu năm mới làm được. Ngay cả khi ăn ong, họ cũng tối kỵ việc "tận diệt", lấy hết mật của ong khiến chúng không thể trụ lại làm tổ. Thông thường, khi hoa nở rộ nhất, thợ "ăn ong" có thể lấy nhiều hơn, chừa lại 1/3 tàng cho ong. Tàng ong khi vắt ra khỏi tổ phải vắt bằng tay, mỗi tổ ong trung bình cho khoảng 3-5 lít, tổ to hơn có thể đến cả 10 lít mật.
Theo anh Khanh, hiện nay trong khu đất 60 ha của anh có tới hơn 1.000 kèo ong. Mỗi mùa, anh không mong ong về làm tổ quá nhiều, chỉ cần 20% là hạnh phúc và thấy thành công lắm.
Làm du lịch từ gác kèo ong
Năm 2015, cùng với sự kêu gọi của tỉnh Cà Mau, anh Khanh tận dụng khoảng đất làm khu du lịch sinh thái, thu hút du khách về trải nghiệm nghề truyền thống của địa phương. Ở đây, những người thợ "ăn ong" cũng chính là hướng dẫn viên, vì thế du khách dễ bắt gặp nụ cười hiền hậu, ánh mắt rực sáng trên khuôn mặt họ khi thuyết minh về vùng đất, về nghề của mình.
Lần đầu làm du lịch, anh Khanh đón khách bằng những gì vốn có, từ đi xuồng trên lung nước, xem cò bắt cá, giăng lưới đánh cá, trải nghiệm ăn ong. Dần dà, "tiếng lành đồn xa", người ta đưa nhau từng đoàn đến nơi ở của ông Mười Ngọt. Trước dịch Covid-19, một tuần khu du lịch có thể đón tới hơn 100 khách. Ngoài khu nhà 4 phòng, đón tối đa được hơn 40 khách, anh Khanh đã xây dựng thêm nhà chung, để khách đoàn có thể ở thêm tối đa 40 người nữa. Giá trải nghiệm các dịch vụ trong khu là 50.000 đồng/người, giá phòng nhỏ là 200.000 đồng/đêm, ở tối đa 10 người.
Mỗi lần đưa khách đi trải nghiệm "ăn ong", anh Khanh dặn họ không bôi dầu, xịt thuốc chống côn trùng, vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến ong. Khi bị ong đánh (đốt) cũng không được hoảng sợ mà giết chúng sẽ dễ bị đàn ong tấn công, chỉ cần dùng tay đuổi nhẹ chúng đi. Đoàn khách nào tới đây, ban đầu cũng có cảm giác hồi hộp vì sợ ong đốt, rồi dần háo hức khi chứng kiến người thợ vừa "ve vuốt" tổ, vừa cắt từng tảng mật vuông vức. Trên xuồng quay về bến, mọi người sẽ được thưởng thức phần mật ngọt lành, tươi rói.
Ở khu du lịch, du khách cũng được thưởng thức những món ăn như cá lóc nước trui, gỏi ong, lẩu mắm cá... Ra về, ai nấy trên tay đều mang theo những món quà từ rừng U Minh Hạ là mật ong, rượu ong, mắm ong, sáp ong, khô cá bổi, khô lóc... được chế biến thủ công.
Anh Khanh cho biết, dù dịch Covid-19 đang khiến du lịch "đóng băng", lượng khách du lịch sụt giảm, anh thấy mình vẫn may mắn vì được sống giữa rừng, được mẹ thiên nhiên cho công việc và có thu nhập. Trong thời gian tạm dừng đón khách, anh cũng sẽ đầu tư lại một số hạng mục như làm đường tham quan gói gọn trong 2 km, để việc tham quan, tiếng xuồng máy không ảnh hưởng tới các loài động, thực vật trù phú trong khu rừng.
Tháng 6/2020, nghề gác kèo ong được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo thêm động lực cho người dân gắn bó với nghề để phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng.
Nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời là nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo người dân nơi đây, nghề được hình thành từ đã lâu năm, có thể vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19, khi con người đặt chân đến vùng đất này khai hoang mở cõi.
Ý kiến ()