Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:49 (GMT +7)
Dồn lực thu ngân sách
Thứ 6, 10/09/2021 | 08:27:46 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2021 đạt 30.813 tỷ đồng. Áp lực thu ngân sách của tỉnh từ nay đến cuối năm là rất lớn (tỉnh phấn đấu năm 2021 thu NSNN tối thiểu đạt 51.000 tỷ đồng), nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chắc chắn tác động không nhỏ tới số thu ngân sách của tỉnh.
Nhiều khoản thu không đạt tiến độ
Quý II và III/2021, nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19, tác động nhất định tới số thu NSNN của tỉnh. Riêng tháng 8, tổng thu NSNN đạt 3.298 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2021 đạt 30.813 tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm 2021, bằng 94% cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 8 tháng đạt 6.603 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, bằng 73% cùng kỳ.
Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Nguyễn Văn Nghiên lý giải: Nguyên nhân số thu XNK không đạt tốc độ thu bình quân thời gian qua chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), vận tải bị ngừng trệ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm. Cùng với đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã giảm lượng nhập khẩu để tiêu thụ thành phẩm của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước theo điều hành của Chính phủ; lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Có thể nói, số thu XNK năm 2021 rất khó khăn.
Nhiều khoản thu nội địa cũng không đạt tiến độ đặt ra. Thu nội địa 8 tháng đạt 24.210 tỷ đồng, bằng 62% dự toán, tăng 2% cùng kỳ. Trong 17 khoản thu nội địa, chỉ có 8 khoản thu đạt và vượt tốc độ thu bình quân (từ 65% trở lên), là: Thu khác ngân sách đạt 112%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 89%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 84%; thuế thu nhập cá nhân đạt 80%; thuế bảo vệ môi trường đạt 67%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 67%; các khoản thu tại xã đạt 65%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65%.
Còn lại, có tới 9/17 khoản thu không đạt tốc độ thu bình quân, là: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý đạt 62%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 60%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 59%; thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý đạt 58%; lệ phí trước bạ đạt 56%; thu tiền sử dụng đất đạt 48%; thu phí và lệ phí đạt 43%; tiền thuê mặt nước, mặt đất đạt 39%; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế đạt 0,5%.
Theo đánh giá của ngành Thuế, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn thu lớn. Ngành du lịch, dịch vụ - chiếm 45% cơ cấu kinh tế, gần như "đóng băng". 8 tháng khách du lịch đến tỉnh chỉ đạt 2,577 triệu lượt, giảm 55,3% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 5.037 tỷ đồng, giảm 58,2% cùng kỳ. Đối với ngành Than, đang có mức tăng trưởng âm.
Có 5 địa phương không đạt tốc độ thu bình quân tính đến hết tháng 8/2021, gồm: Hạ Long đạt 43%, Cẩm Phả đạt 44%, Móng Cái đạt 40%, Vân Đồn đạt 43%, Hải Hà đạt 56%. Nguyên nhân chính là do thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chậm, không đạt tiến độ so với dự toán. Điều đáng nói, các địa phương không đạt tốc độ thu ngân sách đa số chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nội địa của tỉnh. Riêng số thu của TP Hạ Long bằng số thu của tất cả các địa phương trong tỉnh cộng lại. Đây thực sự là khó khăn rất lớn để hoàn thành số thu NSNN năm 2021.
Không để "lỗi nhịp" thu ngân sách
Theo tính toán của cơ quan Tài chính, với mục tiêu tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt không thấp hơn 51.000 tỷ đồng, trong quý IV, Cục Thuế tỉnh, UBND các địa phương phải đảm bảo số thu nội địa đạt 12.787 tỷ đồng, cả năm đạt 40.064 tỷ đồng; Cục Hải quan tỉnh thu XNK đạt 3.900 tỷ đồng, cả năm đạt 11.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thu NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm. Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai các biện pháp tăng thu NSNN; trong đó tập trung khai thác nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu từ nguồn đất đá thải mỏ sử dụng để san lấp mặt bằng. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất các dự án đã có chủ trương, nhất là ở Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, để tăng thu cho ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư và bù hụt thu ở một số lĩnh vực dịch vụ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại khả năng thu ngân sách để chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách linh hoạt tiết kiệm, hiệu quả, theo nguyên tắc “có thu thì mới có chi”. Bảo đảm ưu tiên cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và bố trí dự phòng ngân sách để bù đắp hụt thu. Các cấp ngân sách phải rà soát, cân đối thu - chi, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cấp bách.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thu NSNN. Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cao Ngọc Tuấn, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đơn vị để nâng cao năng lực sản xuất tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thường xuyên duy trì nắm bắt tình hình SXKD của các doanh nghiệp trọng điểm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu, như than, điện, xi măng, xăng dầu... để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thu. Đặc biệt, bám sát theo dõi kế hoạch sản lượng than sạch của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc theo mục tiêu phấn đấu tại Kết luận số 269-KL/TU ngày 18/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông báo số 337-TB/TU ngày 30/8/2021 của Thường trực Tỉnh ủy; theo dõi cụ thể sản lượng điện sản xuất cho từng nhà máy để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao.
Ngành Thuế đang tập trung xác định số thuế được miễn giảm (dự kiến giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% số thuế phải nộp từ hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực dịch vụ…) sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về miễn giảm thuế năm 2021, nhằm tính toán, huy động các khoản thu để bù đắp.
"Các khoản thu khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuế tài nguyên, thu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, chuyển nhượng bất động sản,... sẽ được rà soát, tính toán cụ thể để tập trung tăng thu, đảm bảo đúng quy định. Ngành Thuế cũng sẽ hướng dẫn các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả việc gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, xác định rõ số tiền và thời gian nộp sau khi gia hạn thuế; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để bổ sung vào hoạt động SXKD để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng vẫn đảm bảo số thu ngân sách theo kế hoạch, tránh xảy ra việc lợi dụng chính sách để trốn thuế, nợ thuế" - Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết thêm.
Về số thu XNK, năm 2021 được coi là năm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây của ngành Hải quan Quảng Ninh, bởi như trước đây, ngành luôn hoàn thành chỉ tiêu giao thu của Bộ Tài chính trước thời hạn. Để đảm bảo số thu XNK, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành Hải quan tỉnh đang thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thương mại ngoài TKV nhập khẩu than, doanh nghiệp sản xuất clinker, đá vôi đang đăng ký làm thủ tục hải quan ngoài tỉnh về làm thủ tục, nộp thuế tại Quảng Ninh. Phối hợp hướng dẫn, đôn đốc Tập đoàn Thành Công Huyndai hoàn thiện xây dựng kho ngoại quan để đưa máy móc, thiết bị, linh kiện về làm thủ tục tại tỉnh Quảng Ninh. Phối hợp với cơ quan quản lý Cảng động viên, thu hút các doanh nghiệp tại khu chuyển tải Cửa Dứa có đủ điều kiện làm thủ tục hải quan tại Quảng Ninh về đăng ký làm thủ tục, nộp thuế tại Quảng Ninh (đối với hàng sắt thép, máy móc, thiết bị).
Trong quý IV, Cục Hải quan tỉnh dự kiến làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để giãn hoàn thuế đối với các lô hàng xăng dầu có C/O nộp bổ sung trong năm 2021 để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, đảm bảo số thu từ xăng dầu nhập khẩu giữ tỷ trọng cân đối số thu NSNN trong năm 2021 và điều chỉnh Kế hoạch nhập khẩu, tăng đưa lượng xăng dầu về làm thủ tục và nộp thuế tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng kế hoạch chuyển một số lô hàng nhập khẩu đầu năm 2022 sang làm thủ tục sớm từ tháng 12/2021.
Các cấp, ngành trong tỉnh cũng đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền giao, nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động tăng thu NSNN từ nay đến cuối năm. Sở TN&MT đang nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất cân bằng đào đắp nội bộ, đất khai thác mỏ của các dự án trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng giải quyết nhanh các mỏ đất phục vụ các dự án trọng điểm, như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, đường ven sông Đông Triều - Quảng Yên. Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có phương án báo cáo HĐND tỉnh xem xét điều tiết hợp lý số phát sinh thuế, phí bất thường của các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định, trước mắt là số thuế phát sinh của Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông - Vân Đồn (dự kiến nộp 900 tỷ đồng).
Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 7/9, đã thống nhất kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2021 phấn đấu ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; thu ngân sách nội địa phấn đấu mức cao nhất, tương xứng với mục tiêu tăng trưởng. Để thực hiện điều này, ngành Than không chỉ giữ vững sức sản xuất mà còn phấn đấu tăng 2,8 triệu tấn than sạch so với đầu năm 2021, đóng góp thêm 1 điểm % vào tốc độ tăng trưởng GRDP và tăng thu ngân sách cho tỉnh. Đối với các ngành, lĩnh vực khác cũng cần phải tranh thủ “vùng xanh an toàn” để tăng cường hoạt động SXKD, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Đặc biệt là các trụ cột kinh tế được xác định trong năm nay là công nghiệp (chế biến, chế tạo), xây dựng cần tận dụng thời cơ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Thực tế qua nhiều năm qua, Quảng Ninh rất vững vàng nằm trong tốp những địa phương có số thu ngân sách, nhất là số thu nội địa cao của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do tác động lớn từ dịch Covid-19, tỉnh vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, phấn đấu số thu ngân sách ở mức cao nhất. Tỉnh cũng đã sớm xây dựng kịch bản cho những tháng cuối năm để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm nay. Đây là điều kiện quan trọng để có thể tin tưởng hoàn thành số thu NSNN năm 2021.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()