Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 03:01 (GMT +7)
Đón Tết với người Dao
Thứ 5, 02/02/2017 | 00:19:05 [GMT +7] A A
Ngày 28, 29 tháng Chạp, trong khi các gia đình dưới xuôi còn tất bật mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền, thì ở miền ngược, nơi có rất đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, Tết đã thực sự đến với bà con. Năm nay, tôi thật may mắn khi được cô bạn mời về Đồng Văn (huyện Bình Liêu) đón Tết cùng với gia đình. Tết của bà con người Dao không ồn ào náo nhiệt mà bình dị, chân tình như chính những con người nơi đây.
Tết đến, đồng bào dân tộc Dao cùng quây quần bên mâm cơm, ăn uống, trò chuyện vui vẻ. |
Bên mâm cỗ ngày Tết
Xã Đồng Văn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Dù cách trung tâm huyện hơn 30km, nhưng nhờ có những tuyến đường bê tông được làm từ chương trình xây dựng nông thôn mới mà bản làng, thôn xóm như được kéo sát lại gần nhau. Đồng Văn hiện ra dưới sắc nắng vàng ấm áp của mùa xuân, sắc hồng phai trên những cành đào nở rộ và sắc đỏ thắm của những bộ trang phục truyền thống.
Chúng tôi đến nhà bác Tằng Dảu Mềnh, thôn Phai Lầu. Ngôi nhà đơn sơ được làm bằng đất, mái ngói cong hình vẩy cá màu ghi xám đặc trưng của người dân tộc Dao; rộn ràng tiếng nói cười, bởi mọi người trong dòng họ Tằng đều có mặt để chuẩn bị tổ chức ăn Tết tại nhà thờ tổ. Tuy lần đầu gặp gỡ nhưng chúng tôi có cảm giác mình như những đứa con đi xa lâu ngày trở về nhà sum vầy, được mọi người chào đón niềm nở. Cô bạn tôi rỉ tai giải thích: “Theo tục lệ của người Dao, Tết ở đây đến sớm hơn so với các dân tộc khác, thường bắt đầu từ 15 tháng Chạp đến 30 tháng Giêng. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm tạ ơn tổ tiên đã phù hộ sau một năm và cầu mong hạnh phúc, bình an cho năm mới. Ở đây, mỗi dòng họ có một nhà thờ Tổ. Sau khi nhà thờ Tổ cúng lễ Tết xong, các gia đình trong họ mới bắt đầu làm lễ”. Mâm cỗ cúng của đồng bào dân tộc Dao rất đơn giản, là những nông sản bình dị mà nhà nuôi, trồng được, gồm: Gà luộc, thịt lợn, bánh chưng, rau xào, cơm, rượu ngô... Trước đây, mỗi nhà thường cúng 1 con lợn, nhưng hiện nay chỉ tối giản với 1 đầu và 4 chân lợn. Đối với gia đình có nhà thờ tổ của dòng họ, lễ vật được chọn lựa tỉ mẩn, thường dành riêng một cặp gà trống nuôi trong suốt một năm để cuối năm làm lễ.
Để kịp giờ làm lễ, chúng tôi và gia đình bác Mềnh nhanh chóng chuẩn bị gói bánh chưng. Nhìn tôi lóng ngóng xếp lá gói bánh, vừa hướng dẫn tôi, bác Mềnh vừa chia sẻ: Bánh chưng của người Dao không thể thiếu gạo, đỗ xanh, thịt lợn. Nhưng khác với người Kinh gói bánh chưng vuông, bánh chưng ở đây có hình trụ dài khoảng 20-25cm, đường kính khoảng 8cm. Không những thế, ngoài các nguyên liệu chính, người dân còn cho thêm gừng thái nhỏ, lá cơm lông - một loại lá rừng đặc trưng ở miền núi Bình Liêu. Lá cơm lông có mùi thơm như lá nếp, được giã nhỏ, trộn với thịt làm nhân bên trong khiến bánh không chỉ có màu đỏ đẹp mắt mà còn mang lại hương vị đậm đà cho món ăn.
Cũng giống với các dân tộc khác, đồng bào Dao quan niệm, Tết đến, tổ tiên sẽ trở về để đoàn tụ, đón Tết cùng gia đình. Nhưng thay vì mua tiền vàng, con cháu trong nhà tỉ mẩn chuẩn bị từng xấp giấy màu vàng, được làm từ vỏ cây keo, sau đó đóng dấu bằng dầu đen để tổ tiên có “lộ phí” về nhà. Khi tất cả lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng được gia đình mời về, đại diện cho gia chủ báo cáo những việc đã làm trong năm qua, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho các thành viên trong họ và cầu cho năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ làm lễ, chủ nhà đem vàng tiền hoá cho tổ tiên, lễ vật được mang xuống bày ra mâm cho con cháu cùng hưởng lộc.
Bữa cơm thân mật là khoảng thời gian mọi người cùng trò chuyện, ôn lại những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, hỏi thăm sức khoẻ và tình hình gia đình từng thành viên và chúc nhau những điều may mắn. Bên chén rượu ngô bình dị, tấm chân tình của người dân tộc như chất men khiến người ta dễ say và thêm quý mến mảnh đất này.
Những hy vọng trong năm mới
Tết đến xuân về mang theo nhiều ước vọng. Trong năm mới, cùng với sự phát triển của tỉnh, người dân mong đợi nhiều hơn vào những chính sách của chính quyền địa phương về vấn đề an sinh xã hội cũng như trong lĩnh vực sản xuất kinh tế. Bác Rường Si Múi (thôn Phai Lầu) chia sẻ: Bây giờ, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn nhiều. Tết đến, nhà ai cũng được đủ đầy. Đồng Văn bây giờ là một trong những cửa ngõ của tỉnh, không chỉ phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn mà còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến dịch vụ du lịch. Chỉ mong năm mới, chính quyền tỉnh và địa phương tiếp tục giúp đỡ người dân và có thêm các chính sách đặc biệt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với lĩnh vực giáo dục và y tế. Được như vậy, người dân ai nấy đều vui mừng phấn khởi.
Trước những nguyện vọng ấy của người dân, đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, khẳng định: Trong năm 2017, huyện sẽ quyết tâm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu nối Hoành Mô (Việt Nam) và Động Trung (Trung Quốc), phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành quy hoạch phân khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn để thu hút đầu tư. Đồng thời, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hoá để triển khai các dự án hạ tầng thiết yếu là giao thông liên xã, điện, thuỷ lợi, hạ tầng du lịch, cửa khẩu, đô thị của các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Cũng như kịp thời nắm bắt và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại khu vực cửa khẩu, nhất là trong các hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án phát triển các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển du lịch như dự án nuôi cá nước lạnh cá tầm, cá hồi... ở thôn Sú Cáu (xã Húc Động), thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn). Đối với các vấn đề an sinh xã hội, huyện sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
Chia tay gia đình bác Tằng Dảu Mềnh, chia tay Đồng Văn, chúng tôi trở về với gia đình mình để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng dường như, trong lòng mỗi người chúng tôi, xuân đã ngập tràn vì tình cảm chân thành của người dân nơi đây. Và hơn hết, đó chính là niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, sự phát triển của mảnh đất thân yêu đang thúc giục chúng tôi khám phá để thêm tin yêu và tự hào.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()