Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:51 (GMT +7)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, động viên cán bộ, công nhân mỏ của Than Hà Lầm
Thứ 7, 05/11/2022 | 17:13:01 [GMT +7] A A
Nhân kỷ niệm 86 năm ngày “Miền Mỏ bất khuất” 12/11 (1936 - 2022), ngày 5/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã thăm cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Than Hà Lầm và trực tiếp xuống Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm ở mức -300 để gặp gỡ, động viên và tặng quà các thợ mỏ đang trực tiếp lao động sản xuất tại công trường cơ giới hóa khai thác 1 của Công ty. Cùng đi có lãnh đạo TP Hạ Long và các sở, ngành liên quan.
Mỏ than Hà Lầm được thành lập ngày 1/8/1960, trải qua 62 năm xây dựng, phát triển và đổi mới (nay là Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin), các thế hệ cán bộ, công nhân Than Hà Lầm với sự đoàn kết nhất trí cao, sự lao động sáng tạo đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đã luôn hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đủ việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động, nâng cao vị thế, vai trò của Than Hà Lầm trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trong hơn 60 năm qua, Công ty đã khai thác và tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than. Đặc biệt, 10 tháng năm 2022, sản lượng than nguyên khai đạt trên 2 triệu tấn, đạt 83,4% kế hoạch. Với định hướng phát triển bền vững theo hướng mỏ hiện đại, mỏ xanh, sạch, an toàn, ít người, năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường, Công ty đã tích cực đầu tư tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý; nâng cao năng suất lao động; bảo vệ môi trường. Đặc biệt có nhiều đổi mới, nỗ lực, sáng tạo, đi đầu thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, là đơn vị có sản lượng than cơ giới hóa cao nhất trong Tập đoàn, với sản lượng than cơ giới hóa đạt 1,2-1,4 triệu tấn/năm. Trong đó, Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm là lò chợ chiếm 50% sản lượng của cả Than Hà Lầm và cũng là lò chợ cơ giới hóa đồng bộ lớn nhất Tập đoàn TKV hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trực tiếp xuống thăm, gặp gỡ, động viên và tặng quà các thợ mỏ Công trường cơ giới hóa khai thác 1 ở vị trí mức -170. Đây là một trong những công trường tiêu biểu của Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm ở mức -300 của Công ty CP Than Hà Lầm trong thi đua lao động sản xuất. Sản lượng sản xuất của công trường luôn đạt và vượt kế hoạch cả năm đề ra, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Đây cũng là công trường nhiều thợ mỏ đạt mức thu nhập trên 350 triệu đồng/năm.
Trò chuyện với những người thợ mỏ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ niềm vui, tự hào trước khí thế lao động sản xuất của đội ngũ thợ mỏ Công trường cơ giới hóa khai thác 1 - phân xưởng trụ cột về sản lượng và công nghệ nói riêng và Công ty CP Than Hà Lầm nói chung. Mặc dù phải liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là do dịch bệnh Covid-19 nhưng những người thợ mỏ vẫn luôn đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt bậc, hăng say, miệt mài lao động, giữ vững nhịp độ sản xuất, khí thế sản xuất, góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép” và giữ vững đà tăng trưởng GRDP 2 con số trong suốt 6 năm qua và dự kiến cả trong năm 2022.
Qua đó, càng thấy trong những lúc khó khăn, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ mỏ, cũng là của Người dân Đất mỏ lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đồng chí cũng vui mừng khi thấy điều kiện làm việc của thợ lò ngày càng có sự thay đổi tích cực, điều này cũng cho thấy Công ty cũng rất quan tâm tới người lao động – vốn là tài sản lớn nhất của đơn vị.
Gửi gắm những tình cảm thân thiết nhất nhân kỷ niệm 86 năm ngày “Miền Mỏ bất khuất”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc Công trường cơ giới hóa khai thác 1 nói riêng và Công ty Than Hà Lầm nói chung tiếp tục xây dựng được những điển hình cá nhân tiên tiến trong kỷ nguyên 4.0. Người thợ mỏ làm chủ hoàn toàn công nghệ hiện đại để làm ra những tấn than chứa đựng sức lao động sáng tạo.
Nhân dịp này, đồng chí lưu ý Công ty Than Hà Lầm nói riêng và các đơn vị ngành Than nói chung cần tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp tục xây dựng mỏ xanh, sạch, góp phần tích cực chuyển đổi từ nâu sang xanh; chăm lo bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, nhất là vấn đề nhà ở cho công nhân để họ và gia đình an tâm gắn bó với Quảng Ninh.
Các ngành chức năng của tỉnh tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên nhằm phát huy tối đa vai trò, sứ mệnh của ngành Than trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, là nơi diễn ra phong trào “vô sản hóa” thời dựng Đảng. Quảng Ninh cũng được coi là “tỉnh đỏ” do có phong trào công nhân mỏ với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đầy bất khuất. Truyền thống đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong bản sắc văn hóa người thợ mỏ, cũng là của người dân Đất mỏ.
“Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh và ngành Than luôn gắn bó mật thiết, máu thịt “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì vậy, cùng với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục kề vai, sát cánh phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” - sức mạnh nội sinh của Miền Mỏ bất khuất quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh là tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ngành Than là ngành kinh tế “gương mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn. Góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh điển hình về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn để mọi người dân, công nhân lao động được thụ hưởng thành quả của sự phát triển” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()