Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:00 (GMT +7)
Động đất liên tục, người dân Kon Tum lo sợ nguy cơ thảm họa
Thứ 3, 28/02/2023 | 09:07:26 [GMT +7] A A
Sau một thời gian tạm lắng, tỉnh Kon Tum tiếp tục tái diễn tình trạng động đất. Trước tình hình đó, Kon Tum đã chủ động phối hợp lên các phương án ứng phó và lắp thêm các trạm quan trắc động đất.
Lo lắng trước thảm cảnh động đất ở thế giới
Nhiều ngày nay, chị Y Dương (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) không khỏi lo lắng khi mỗi ngày chị đều cảm nhận được sự rung chấn của động đất.
Tuy cường độ, tần suất không mạnh nhưng chị Y Dương vẫn lo lắng khi thấy trên báo đài đưa tin về thiệt hại thảm khốc do trận động đất kinh hoàng trên thế giới gây nên. Đây cũng là tâm lý chung của những người dân tại Kon Plông, địa phương được xác định là tâm điểm của các trận động đất liên tiếp trong 2 năm trở lại đây.
Chị Y Dương bộc bạch: "Gần 2 năm nay, tôi cùng bà con luôn cảm nhận được sự rung chấn. Những trận lớn, đồ đạc trong nhà cũng rung lắc, gia đình lo sợ phải chạy ra ngoài sân. Khi được tập huấn kiến thức về phòng, chống thiên tai, động đất, gia đình cũng an tâm hơn.
Từ qua Tết đến nay, động đất tiếp tục tái diễn với tần suất dày hơn. Khi xem những thảm họa mà động đất gây ra trên thế giới, gia đình cũng lo lắng phần nào. Tôi càng lo lắng hơn đang trong giai đoạn cuối thai kỳ và chuẩn bị sinh nở".
Trước những lo lắng đó, trong gần 2 năm nay, chính quyền huyện Kon Plông và UBND tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện nhiều tập huấn, thực hành nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai của huyện Kon Plông và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Đồng thời, cung cấp cho người dân ở vùng tâm chấn những kiến thức cần thiết nhằm ứng phó trong những tình huống thiên tai xấu nhất. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với động đất như: phương châm 4 tại chỗ, chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, phương tiện giao thông… khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng, cho biết: "Trước những trận động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, xã đã phân công từng tổ cấp ủy phụ trách địa bàn thôn. Trước mỗi trận dư chấn, xã đều cử cán bộ phối hợp cùng người uy tín trong thôn, làng xuống người dân để hướng dẫn và trấn an tâm lý.
Lắp đặt các trạm quan trắc động đất
Trước tình hình các trận động đất diễn ra dày đặc ở huyện Kon Plông, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư dự án Thủy điện Thượng Kon Tum) phối hợp cùng Viện Vật lý địa cầu tiến hành lắp đặt 6 trạm quan trắc động đất ở một số xã trong vùng tâm chấn của huyện Kon Plông, Kon Tum.
Hai trạm còn lại được Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh lắp đặt tại xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và xã Sơn Hải (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi).
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Công Đàm - Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum - thông tin, với dung tích lòng hồ trên 140 triệu m3, việc đảm bảo an toàn cho lòng hồ trong điều kiện động đất xảy ra thường xuyên được đơn vị quản lý, vận hành đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, đơn vị đã xây dựng thêm 3 trạm quan trắc động đất, nâng lên 6 trạm quan trắc động đất. Tổng chi phí mua thiết bị, lắp đặt, vận hành của 6 trạm quan trắc này hết hơn 4,8 tỷ đồng.
"Viện vật lý địa cầu đã lựa chọn vị trí, sau đó công ty tiến hành xây dựng những ngôi nhà kiên cố và mua các trạm quan trắc theo chỉ định. Sau đó, các thông tin từ các trạm quan trắc đã lắp đặt sẽ được truyền thẳng về Viện Vật lý địa cầu.
Khi nhận được thông tin từ các trạm quan trắc động đất, Viện Vật lý địa cầu sẽ phân tích và gửi lại cho đơn vị, chính quyền nắm về số liệu và tần suất, độ lớn của những trận động đất", ông Đàm cho hay.
Khi 8 trạm quan trắc được lắp đặt và đi vào hoạt động sẽ giúp chính quyền địa phương nằm trên trục đứt gãy Đông - Tây kéo dài từ Kon Tum xuống Quảng Nam, Quảng Ngãi ghi nhận, dự báo sớm các trận động đất. Qua đó, lên phương án di dời dân cư, xử lý sớm đối với các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do động đất.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang có những diễn biến phức tạp như mưa lũ, sạt lở đất và tình trạng dư chấn động đất liên tiếp xảy ra tại địa bàn huyện Kon Plông.
Các trận động đất chưa gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng nhưng cũng đã gây hoang mang dư luận, gây tâm lý lo lắng đối với người dân. Việc chủ động ứng phó đã giúp người dân có những hiểu biết về thiên tai, động đất. Qua đó giúp cho người dân chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()