Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:24 (GMT +7)
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thứ 6, 15/07/2022 | 09:11:25 [GMT +7] A A
Trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từng bước được khôi phục, đóng góp không nhỏ vào kết quả phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Với phương châm “Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả tính minh bạch làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, gắn với hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các doanh nghiệp của tỉnh...
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022 và Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 10/1/2022) của Chính phủ và phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Qua đó, đã thể hiện quan điểm của Quảng Ninh “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc” và không chủ quan, tự mãn... Tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp đón, làm việc với 20 đoàn tổ chức, 11 đoàn nhà đầu tư đến làm việc, tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh, như: Công ty CP AQ Việt Nam, Tập đoàn Adani Ấn Độ, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam... Sau các buổi làm việc, cán bộ đầu mối luôn chủ động duy trì liên lạc, trao đổi để phục vụ cho đối tác trong nghiên cứu, quyết định đầu tư. Tỉnh cũng dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đối với thị trường EU trong quý III/2022.
Quảng Ninh có đông doanh nghiệp phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vì vậy ngay khi du lịch chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 3, tỉnh đã khẩn trương ban hành Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, trong đó xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, hoạt động mở cửa, phục hồi, thu hút khách du lịch; xây dựng Đề án “Phục hồi ngành Du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp đó, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các chuỗi sự kiện lớn: Lễ hội Carnaval Hạ Long, Festival áo dài, tổ chức thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31 tại Quảng Ninh. Những sự kiện này đã thu hút nhiều doanh nghiệp chung tay trong tổ chức, góp phần làm nên thành công và lan tỏa hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Những tháng đầu năm nay, số hàng hóa ách tắc ở các cửa khẩu rất lớn. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp XNK, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ thông quan, thúc đẩy, khôi phục hoạt động XNK tại các cửa khẩu, lối mở biên giới. Với việc nhanh chóng thiết lập “vùng xanh an toàn”, “luồng xanh an toàn” sau thời gian ngưng hoạt động, ngày 26/4, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã thông quan trở lại. Tiếp đó, ngày 30/5, Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái) cũng chính thức thông quan trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng. Với những giải pháp tích cực, hoạt động XNK khôi phục và từng bước ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ước đạt 1,179 tỷ USD, tăng 0,76% cùng kỳ 2021. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp ước đạt 1,43 tỷ USD.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo, phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, ngành điện và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã ký biên bản phối hợp với quyết tâm không để thiếu than cho sản xuất điện và thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc cho ngành than, điện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa cho các ngành: Xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa...
Công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng được tỉnh chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, quan tâm giải quyết nhanh TTHC theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, GPMB, vật liệu san lấp...
Tháng 5 vừa qua, tỉnh đã kết nối chính thức Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cung cấp 3 dịch vụ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đến hệ thống giải quyết TTHC tỉnh. Trong 6 tháng năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã hướng dẫn kê khai hồ sơ TTHC cho hơn 5.871 lượt tổ chức, công dân; tiếp nhận, xử lý 1.690 cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn qua tổng đài 1900558826; đã có 50.215 tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ cho tổ chức, người dân về kết quả giải quyết hồ sơ; cập nhật trên 4.000 kết quả giải quyết bằng bản số lên Cổng dịch vụ công của tỉnh để tổ chức, cá nhân chủ động nhận kết quả. Tỉnh cũng chỉ đạo, cung cấp 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với sự đồng hành của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển KT-XH địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()