Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:26 (GMT +7)
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ khoa học - công nghệ
Thứ 2, 24/06/2024 | 09:28:13 [GMT +7] A A
Sau hơn 1 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030" đã có những kết quả tích cực. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã hoàn thành, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đòn bẩy từ những kết quả ban đầu
Nghị quyết số 13-NQ/TU đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại…
Đến nay sau hơn 1 năm triển khai, một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đã hoàn thành. Tiêu biểu như tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; có 2 nhãn hiệu của doanh nghiệp trong tỉnh là “Bột mì Cái Lân” và “Gốm, Gạch ngói Đất Việt” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế; 19/23 sáng chế, giải pháp hữu ích đang được duy trì khai thác thương mại... Một số mục tiêu đạt tỷ lệ cao: Gần 90% nhiệm vụ KHCN được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn; hầu hết các dự án đầu tư được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định, không chấp nhận các dự án công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khoảng 63% sản phẩm OCOP đã thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh những chỉ tiêu cụ thể, việc triển khai Nghị quyết cũng cho thấy sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc gia tăng tiềm lực KHCN, coi việc ứng dụng, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là sự sống còn của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng có sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, có sự thống nhất cao từ tỉnh xuống cơ sở; hoạt động KHCN được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn.
Năm 2023 ngân sách của tỉnh bố trí gần 285 tỷ đồng cho sự nghiệp KHCN. Nhiều địa phương như Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên.. đã chủ động dành nguồn lực cho hoạt động KHCN. Đặc biệt, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã huy động nguồn lực khác để đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP Viglacera, Công ty CP Dược - vật tư y tế Quảng Ninh... đã chủ động trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển KHCN với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhân lực KHCN tăng lên cả về số lượng và chất lượng với hơn 3.000 người, trong đó có bằng đại học trở lên chiếm hơn 50%. Hạ tầng KHCN từng bước hình thành và phát triển với sự tham gia của 25 doanh nghiệp KHCN; 33 tổ chức KHCN; 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS..., góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Gia tăng tiềm lực cho KHCN
Kiên trì mục tiêu đưa KHCN là động lực hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Các ngành, đơn vị, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải quyết tâm thực hiện.
Để Nghị quyết số 13-NQ/TU tiếp tục bén rễ, đi vào thực tiễn, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN: Ngành sẽ bám sát các mục tiêu của Nghị quyết, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, gắn với phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành, triển khai một số đề án, kế hoạch, chương trình về KHCN. Trong đó mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thành tựu của KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, tài chính, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường, chính quyền số... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó là tiếp tục tập trung hoàn thiện một số chương trình, đề án về KHCN; triển khai các dự án về hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường thu hút đa dạng các nguồn lực cho KHCN, nhất là khối tư nhân, doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN; thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN…
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()