Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:18 (GMT +7)
Khoa học và công nghệ - Động lực của phát triển bền vững
Thứ 2, 23/10/2023 | 11:23:46 [GMT +7] A A
Cùng với sự lớn mạnh của tỉnh, ngành KH&CN đã đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu, dự án, ứng dụng công nghệ ở nhiều lĩnh vực từ văn hóa, xã hội đến y tế, giáo dục, kinh tế, cải cách hành chính…, khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình CNH-HĐH của tỉnh; đồng thời tạo ra những lợi thế to lớn để Quảng Ninh bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.
Ghi dấu ấn với nhiều thành tựu
Theo ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN, trong 20 năm gần đây đã có khoảng 600 nhiệm vụ, đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh được triển khai ở khắp các ngành, lĩnh vực của tỉnh với tỷ lệ cao được áp dụng, nhân rộng trong thực tiễn; được chuyển giao kịp thời giúp các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất. Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu đã và đang khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KH&CN trong đời sống, tạo động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.
Sự góp sức của KH&CN đã đưa Quảng Ninh xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH&CN (doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ). Đặc biệt, KH&CN đã và đang tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp chuyển dịch sang hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Toàn tỉnh hiện có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản do doanh nghiệp quản lý, khai thác.
Những thiết bị hiện đại, chuyên sâu ở lĩnh vực y tế đã được đầu tư đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Giáo dục thông minh hiện diện trong hầu hết các trường, lớp học giúp nâng cao chất lượng dạy và học toàn tỉnh. KH&CN đã thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa hệ thống phần mềm quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 vào áp dụng tại các sở, ban, ngành, địa phương; năm 2022 đứng thứ 4 toàn quốc về chỉ số đổi mới sáng tạo. KH&CN đã tạo đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành cơ quan, cải thiện chỉ số xếp hạng của tỉnh. Nhiều năm liên tiếp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, giữ vị trí quán quân về các Chỉ số PCI, Par Index.
KH&CN thực sự là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã của tỉnh với nhiều dấu ấn. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp phát triển theo hướng bền vững; nâng cao trình độ công nghệ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chú trọng nâng cao tiềm lực KH&CN
Với quan điểm xuyên suốt coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là đòn bẩy cho sự phát triển, ngay từ khi thành lập tỉnh và kiện toàn bộ máy đến nay, Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho hoạt động KH&CN. Đáng chú ý, giai đoạn 1996-2000, thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH, tỉnh đã bố trí trên 10 tỷ đồng cho các hoạt động thông tin khoa học, hợp tác quốc tế về KH&CN, hỗ trợ lần đầu các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đời sống... Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đề tài, sáng kiến, chương trình khoa học vào thực tiễn.
Hơn hai thập kỷ vừa qua, nguồn lực đầu tư cho KH&CN tiếp tục được tăng mạnh. Từ năm 2006 tỉnh đã hình thành nguồn vốn riêng cho đầu tư phát triển KH&CN với con số là gần 13,5 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn từ 2011-2015 tỉnh đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cho sự nghiệp KH&CN, bằng 1,58% GRDP của tỉnh; giai đoạn 2017-2020 là gần 20.000 tỷ đồng, bằng 2,71% GRDP của tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến chi cho KH&CN tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đầu tư về nguồn lực, tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển. Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong các sở, ngành, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp sức, khích lệ… Đến nay Quảng Ninh có khoảng hơn 8.000 trí thức KH&CN, đạt 13 cán bộ nghiên cứu khoa học/vạn dân. Tỉnh dành nhiều ưu tiên cho phát triển hạ tầng KH&CN với hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, liên thông từ tỉnh đến cấp xã; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, hệ thống chuẩn đo lường đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao…
Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của tỉnh, thời gian tới ngành KH&CN tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để gia tăng hàm lượng KH&CN trong tất cả các ngành, lĩnh vực; phấn đấu để Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển KH&CN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KH&CN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()