Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 21:21 (GMT +7)
Bình Phước: Động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ 7, 29/07/2023 | 12:05:48 [GMT +7] A A
Ngày 26-4-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Bình Phước đã giúp người dân giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Mở rộng sản xuất, chăn nuôi
Qua rà soát nhu cầu hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đầu năm 2022, gia đình anh Lưu Văn Bảo ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp được chính quyền địa phương xét duyệt và đề nghị Ngân hàng CSXH huyện cho vay 120 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28 để mua 5 con bò giống. Hiện nay, tất cả 5 con bò giống của gia đình đang mang thai. Nếu chăm sóc tốt, một vài năm tới gia đình anh sẽ có nguồn thu khá.
Được vay vốn ưu đãi, tập trung phát triển kinh tế nên nhiều hộ đồng bào DTTS ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến đã vươn lên khá giả. Bà Hoàng Thị Khôi, một trong những hộ DTTS tiêu biểu của ấp cho biết, nhờ vốn vay từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi mà gia đình bà đã bổ sung thêm đàn dê, chăm sóc được vườn tiêu và nuôi ong lấy mật. “Mặc dù thu nhập chưa cao (khoảng 150 triệu đồng/năm) nhưng mùa nào gia đình tôi cũng có nguồn thu” - bà Khôi phấn khởi cho biết.
Theo ông Lê Phương Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã giúp bà con DTTS mạnh dạn mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao thu nhập. Đơn cử như ấp Sóc Nê, trước đây tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nay chỉ còn một vài hộ do tuổi cao không còn sức lao động.
Thực hiện đồng bộ các chương trình cho vay
Ông Võ Trọng Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, thực hiện Nghị định số 28, ngân hàng được giao triển khai 5 chương trình cho vay, gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân được 14 tỷ 810 triệu đồng cho 208 hộ dân có nhu cầu vay vốn.
Trong quá trình triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định số 28 còn một số khó khăn, vướng mắc như: tiến độ rà soát, lập, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng còn chậm, do một số ngành chủ quản chưa có hướng dẫn, quy định định mức. Một số hộ thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc địa điểm hộ gia đình dự kiến làm nhà thuộc đất sản xuất nông nghiệp nên nguồn vốn này đến nay chưa được triển khai.
“Thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bình Phước tiếp tục phối hợp Ban Dân tộc tỉnh, UBND cấp huyện rà soát quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở cho vay. Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay đúng quy định” - ông Hòa cho hay.
Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chương trình cho vay theo Nghị định số 28 là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS. Có nguồn vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng nhà ở chính là động lực giúp bà con DTTS an cư để lao động, sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.
Cùng với nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã và đang phối hợp chính quyền các địa phương đẩy nhanh giải ngân 216 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn này sẽ là động lực làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()