Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:44 (GMT +7)
Động lực tăng trưởng từ nguồn vốn đầu tư công
Thứ 4, 20/03/2024 | 10:00:16 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nguồn vốn đầu tư công là vốn mồi, động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong những năm qua, từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm, đã góp phần giúp cho Quảng Ninh duy trì, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và điều này đang được tỉnh quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, nhằm cán đích một thập kỷ có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số.
Quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu năm
Tính đến ngày 15/3/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh trên 14.600 tỷ đồng, cao hơn 325 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Hiện đã có trên 14.000 tỷ đồng được phân khai chi tiết đến các dự án, công trình.
Để đảm bảo nguồn vốn sớm được giải ngân, phát huy hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3839/QĐ-UBND (12/12/2023) về giao dự toán ngân sách năm 2024, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ giải ngân; phân công lãnh đạo phụ trách, trực tiếp theo dõi và xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng dự án, kịp thời giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND (1/1/2024) về thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên tổ công tác, lấy kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là một căn cứ quan trọng trong xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 371/QĐ-UBND (29/1/2024) thành lập Tổ công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong triển khai công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn TX Quảng Yên - nơi có nhiều dự án đầu tư công và dự án ngoài ngân sách đang triển khai, với lượng vốn được bố trí lớn.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong những tháng đầu năm, nhiều dự án, công trình trên địa bàn đã tấp nập, sôi động hoạt động thi công với khí thế “Vượt nắng, thắng mưa”, “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “3 ca, 4 kíp”, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Nhiều dự án, công trình, nhất là dự án đầu tư công cấp tỉnh với quyết tâm cán đích trong năm 2024 đã thi công xuyên Tết, với tinh thần hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm.
Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Chẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu, ngay từ mùng 4 Tết đã hoạt động sôi động trở lại. Xác định đây là dự án động lực, trọng điểm gắn kết phát triển kinh tế, xã hội giữa các vùng miền, vùng động lực với vùng khó khăn của tỉnh, chủ đầu tư đã nhanh chóng đôn đốc liên danh nhà thầu, tư vấn giám sát động viên, bố trí công nhân, kỹ sư, kỹ thuật tổ chức thi công.
Anh Lều Việt Hưng, tư vấn giám sát dự án, cho biết: Đến thời điểm này, số lượng thiết bị máy móc, công nhân tại công trường đã đầy đủ như thời điểm trước Tết để triển khai thi công các phần việc. Hiện dự án đã thi công đạt gần 80% khối lượng. Riêng phần đào, đắp nền đường đã đạt gần 100% khối lượng. Đơn vị nhà thầu đang tập trung máy móc kỹ thuật, tổ chức thi công lớp cấp phối đá dăm và thảm nhựa mặt đường trên toàn tuyến.
Đối với chủ đầu tư cấp huyện, hiện tại, nhiều địa phương cũng đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, thực hiện thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn; đôn đốc, chỉ đạo tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, có kế hoạch hoàn thành trong năm 2024.
Với sự vào cuộc tích cực, đến ngày 15/3/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đạt 5,2% kế hoạch vốn năm, đạt 5,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Nhiều chủ đầu tư tích cực ngay từ đầu năm đã có tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn trung bình toàn tỉnh, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Đầm Hà, UBND huyện Cô Tô, UBND huyện Vân Đồn, UBND TP Uông Bí.
Cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu
Theo đánh giá của các sở, ngành chức năng, mặc dù đã có sự chủ động vào cuộc từ sớm, tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm của tỉnh.
Nguyên nhân được xác định là do công tác chuẩn bị đầu tư một số địa phương còn chậm. Mặc dù Luật Đấu thầu số 22/2023/HH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, nhưng đến ngày 15/2/2024 Bộ KH&ĐT mới ban hành Thông tư số 01/2024/TT-TKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia và ngày 27/2/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, phần nào có ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án đã được chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, còn một số khó khăn, bất cập cốt lõi, như: Thiếu nguồn vật liệu san lấp, nhất là nguồn vật liệu gia cố nền móng; công tác đền bù, GPMB; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; vị trí đổ thải; đánh giá tác động môi trường; xử lý tài sản công.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, hầu hết các công trình, dự án, nhất là những dự án vốn tỉnh đều gặp những khó khăn, bất cập nêu trên. Nhiều dự án phải thi công cầm chừng và phải gia hạn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điển hình như dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 388 giai đoạn I), hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc về GPMB, thiếu hụt nguồn đất và cát đắp. Hiện UBND TX Quảng Yên mới bàn giao được 56,58/72,38ha, tương đương 9,1/11,42km tuyến đường và còn thiếu khoảng 1,1 triệu m3 nguồn vật liệu đất đắp nền đường.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập tại nhiều dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để nghe, chỉ đạo từng nội dung cụ thể. Tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy ngày 4/3/2024 cho ý kiến về tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp. Trong đó giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tích cực nghiên cứu các mỏ vật liệu thay thế các nguồn vật liệu hiện nay để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh tình trạng những cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, trách nhiệm, năng lực yếu để trì trệ, gây khó khăn trong xử lý công việc.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu phương án sử dụng nguồn vật liệu cát nghiền thay thế các giải pháp vật liệu hiện nay để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm, có tính liên vùng; Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất trên địa bàn đảm bảo theo quy định, trọng tâm là các mỏ đất tại Uông Bí, Đông Triều và quy trình thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư công; Sở GTVT chủ động phối hợp với các chủ đầu tư nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, phương án xử lý nền móng trong bối cảnh khó khăn nguồn cát đắp.
Với kết quả giải ngân đến ngày 15/3/2024 và số dư tạm ứng năm 2023 chuyển sang, từ nay đến cuối năm, ước tính trung bình mỗi tháng toàn tỉnh phải giải ngân đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, qua đó mới giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch năm 2024. Đây là áp lực rất lớn đối với các đơn vị thi công và chủ đầu tư được giao nguồn vốn đầu tư công năm 2024. Riêng 3 ban quản lý dự án của tỉnh phải tổ chức triển khai thực hiện khối lượng bình quân khoảng 709,5 tỷ đồng/tháng, tương đương 23,3 tỷ đồng/ngày; TP Hạ Long bình quân khối lượng giải ngân đạt 333,7 tỷ đồng/tháng, tương đương 10,9 tỷ đồng/ngày. Đặc biệt, hiện có 14/22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn trung bình của tỉnh và 5 địa phương chưa phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2024, với tổng số tiền trên 530 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ).
Đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Quan điểm của tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra động lực, không gian phát triển mới và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Từ đó, sẽ cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc lạm dụng lấy ý kiến nhằm mục đích đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện; xử lý nghiêm tình trạng đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()