Tất cả chuyên mục

Do quyết định truy nã từ năm 2004 không được gửi đến các phòng nghiệp vụ ở Công an Đồng Nai và lực lượng công an trên toàn quốc nên mới có chuyện, sau 9 năm đối tượng từng tham gia nhiều vụ trộm cắp tài sản đã trở thành một trung úy phục vụ trong ngành. Đối tượng này chỉ bị lộ diện trong một lần xô xát với 1 người bán trái cây vào tháng 1/2013.
Người khiến dư luận chú ý trong vụ việc này là Trần Hữu Nam (SN 1985, ngụ huyện Đinh Quán, tỉnh Đồng Nai). Được biết, quê gốc của Nam ở Thái Bình nhưng từ nhỏ đã theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống. Năm 2003, Nam học hết cấp 3 rồi thi vào đại học nhưng bị trượt. Sợ con trai ở nhà “nhàn cư vi bất thiện” nên ba mẹ Nam cho con trai lên Biên Hòa thuê phòng trọ để vừa đi làm vừa ôn thi đại học.
![]() |
Bị cáo Trần Hữu Nam tại tòa |
Tuy nhiên, khi lên thành phố chẳng được bao lâu thì Nam đã cùng một số người bạn tham gia vào vài vụ trộm cắp tài sản ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Theo cáo trạng, từ ngày 13/12/2003 đến 28/12/2003, Nam cùng một số người bạn của mình đã gây ra 3 vụ trộm cắp tài sản. Cụ thể, tối 13/12/2003, Nam cùng hai người bạn đã đột nhập vào một nhà máy cơ khí thuộc phường Long Bình để trộm khoảng 70kg sắt bán được 140.000 đồng chia nhau.
Thấy dễ ăn, ngày hôm sau cả ba lại quay lại, lần này nhóm đã vét một mẻ lớn hơn và bán được 460.000 đồng. Tuy nhiên, tại bản định giá tài sản thì những thứ mà nhóm của Nam trộm có giá trị hơn 40 triệu đồng. Nằm im một thời gian, đến rạng sáng 28/12/2013, Nam và hai người bạn của mình bàn bạc rủ nhau xem có ai sơ hở trong việc quản lý xe moto thì chiếm đoạt lấy tiền tiêu xài.
Cả ba đi đến một khu phòng trọ thuộc phường Long Bình thì phát hiện một chiếc xe moto hiệu Best đang dựng hớ hênh, không người trông giữ. Nam bảo hai người bạn đứng ngoài cảnh giới rồi mình vào lấy trộm xe. Sau khi hành động trót lọt, Nam mang xe về cất dấu tại vựa ve chai của một người trong nhóm. Người này đưa cho Nam 200.000 đồng để sở hữu chiếc xe rồi nhờ người đi bán lấy tiền tiêu xài.
Vụ việc sau đó đã được cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.Biên Hòa thụ lý. Ngày 4/1/2004, Nam và đồng phạm đã bị bắt giữ. Sau 10 ngày các đối tượng bị tạm giữ để phục vụ điều tra, công an vẫn không xác minh được người bị hại nên cho Nam và các đồng phạm tại ngoại, đồng thời tiếp tục điều tra vụ việc.
Một thời gian sau đó, công an xác định được người bị hại trong vụ án và cũng xác định được chính Nam là đối tượng cầm đầu của nhóm trộm cắp tài sản nên ra quyết định bắt giữ nghi can cùng đồng phạm để lập hồ sơ xử lý.
Thế nhưng, Nam lúc này không còn ở TP.Biên Hòa nữa mà đã về nhà ở xã La Ngà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) sinh sống. Ngày 30/3/2004, công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Trần Hữu Nam về tội trộm cắp tài sản. Và như đã nói ở trên, quyết định truy nã này không đến được địa phương nơi Nam sống, vì vậy Nam vẫn sinh hoạt như một “công dân tốt”.
Một năm sau, Nam biết thông tin công an tỉnh Đồng Nai phân bổ chỉ tiêu tuyển công an nghĩa vụ cho các huyện nên đã làm hồ sơ ứng tuyển. Với lý lịch “sạch sẽ”, Nam đã được phục vụ có thời hạn trong ngành công an. Sau bốn tháng được huấn luyện nghiệp vụ, năm 2006, Nam được phân công về công tác tại Công an huyện Long Thành. Trong quá trình phục vụ, Nam nhiều lần vi phạm kỷ luật và đơn vị chủ quản đã có ý định không biên chế cho Nam thành công an chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Nam nộp hồ sơ thi vào trường Trung học Cảnh sát. Do Nam là đối tượng trong ngành, nên nhà trường căn cứ hồ sơ có sẵn và xác nhận của đơn vị nơi Nam công tác trong quá trình sơ tuyển. Chính vì thế, Nam đã lọt qua khâu xét lý lịch. Nam thi đậu và sau 2 năm học ở trường, Nam trở thành công an chuyên nghiệp và được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh Đồng Nai. Năm 2011, Nam được điều về Đội Cảnh sát 113 (thuộc công an tỉnh Đồng Nai). Đến cuối năm 2012, Nam được phân công về Công an TP.Biên Hòa công tác và mang hàm cấp trung úy.
Có lẽ Nam sẽ vẫn tiếp tục công tác trong ngành công an một thời gian dài nữa nếu như không có một chuyện hy hữu tình cờ xảy ra. Đó là vào một buổi tối tháng 1/2013, sau khi đi nhậu cùng một số người bạn, Nam đã ghé vào một sạp trái cây phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) để mua một trái sầu riêng. Trong quá trình mua bán, Nam cho rằng người bán sầu riêng đã lừa gạt, cân không chính xác. Vì vậy giữa hai người đã xảy ra xô xát to tiếng cãi nhau.
Sự việc căng thẳng hơn khi một người đàn ông bán trái cây gần đó mang dao lại để bênh bạn. Vì thấy nhóm của Nam ăn nói không đúng “chuẩn” của người trong ngành công an, nên mặc dù Nam đã rút thẻ ngành ra nhưng ông này vẫn dọa chém. May sao một tổ tuần tra của Công an phường Tân Mai phát hiện vụ việc, Nam và người đàn ông kia được đưa về trụ sở làm bản tường trình.
Khi công an phường Tân Mai trích lục hồ sơ để xử phạt thì phát hiện Nam chính là đối tượng cầm đầu băng trộm tài sản đã gần 10 năm về trước tại khu vực phường Long Bình. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã có đầy đủ chứng cứ chứng mình Trần Hữu Nam là đối tượng bị truy nã. Vì vậy, đến ngày 1/4/2013, Nam bị tước quân tịch, sau đó đối tượng này đã đến đầu thú tại công an phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa).
Ngày 30/9/2013, TAND TP.Biên Hòa đã mở phiên xét xử Trần Hữu Nam với tội danh “Trộm cắp tài sản”. Tại phiên tòa, Nam đã phủ nhận hoàn toàn những bản khai trước đây tại cơ quan điều tra về hành vi phạm tội của mình. Theo đó, Nam nói rằng mình không tham gia vào vụ trộm cắp nào cả. Nam phủ nhận nội dung trong các biên bản ghi lời khai, tuy nhiên phần xác nhận và chữ ký của mình thì Nam không chối bỏ.
Vị luật sư bào chữa của Nam cho rằng cáo trạng nói Nam trộm cắp tài sản rồi bỏ trốn và Nam đã ra đầu thú ngày 1/4/2013 là không đúng. Ông đưa ra các luận cứ chứng minh trong quá trình điều tra vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Biên Hòa đã làm sai về mặt thủ tục và làm sai lệch hồ sơ vụ án nhằm hợp lý hóa việc bắt giữ và buộc tội Nam.
Luật sư cũng đưa ra quan điểm cho rằng Nam không trộm chiếc xe Bets nhưng không chứng minh được Nam không tham gia 2 vụ trộm ở nhà máy cơ khí. Cuối cùng, ông cho rằng Nam bị bức cung từ điều tra viên nên nhận tội nhưng từng vụ không rõ ràng như các biên bản ghi lời khai (lúc nhận tội, lúc không).
Đáp lại luật sư, vị đại diện viện kiểm sát không tranh luận và thừa nhận có sai sót trong các văn bản áp dụng trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng Nam phạm tội “Trộm cắp tài sản” dựa trên nhân chứng và những biên bản ghi lời khai của Nam. Nam cũng không chứng minh được rằng mình bị bức cung. Trong lời nói cuối cùng trước khi HĐXX nghị án, Nam vẫn cho rằng mình vô tội.
Tòa tuyên án, Trần Hữu Nam 3 năm tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, nặng hơn so với đề nghị của đại diện viện kiểm sát vì cho rằng Nam không thành khẩn khai nhận tội của mình. Vụ án kết thúc, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều điều đáng suy ngẫm. Vì sự việc này mà suốt 1 thời gian dài, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao một tội phạm lại lọt qua được sự kiểm tra lý lịch gắt gao, để rồi khoác lên mình chiếc áo công an đường hoàng như vậy?
Theo Pháp luật VN
Ý kiến ()