Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:27 (GMT +7)
Đông Nam Á căng mình chống biến thể Omicron, WHO kêu gọi không hoảng sợ
Thứ 7, 04/12/2021 | 09:32:55 [GMT +7] A A
Các nước Đông Nam Á đang gấp rút tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 trong bối cảnh Singapore và Malaysia đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên.
Bộ Y tế Singapore (MPH) ngày 3/12 thông báo đã phát hiện thêm 2 ca mắc Omicron quá cảnh qua nước này trên đường tới Australia và Malaysia. Hai trường hợp đã ở trong khu vực dành riêng cho khách quá cảnh ở sân bay Changi cho tới tận khi rời đi.
"Cả hai không nhập cảnh vào Singapore hay tương tác với cộng đồng. Hiện không có bằng chứng về bất kỳ trường hợp lây nhiễm cộng đồng nào liên quan đến họ", trích tuyên bố của nhà chức trách Singapore.
Theo đài CNA, một trong hai trường hợp trên là hành khách trên chuyến bay SQ231 của hãng hàng không Singapore Airlines, xuất phát từ Johannesburg, Nam Phi ngày 27/11, quá cảnh ở sân bay Changi ngày 28/11 trước khi lên đường tới Sydney, Australia cùng ngày. Chính quyền bang New South Wales xác nhận, đây là trường hợp mắc Omicron thứ 8 của Australia và người này đã tiêm phòng đầy đủ.
Trước đó, Singapore ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, là 2 hành khách khởi hành từ Johannesburg, nhập cảnh nước này ngày 1/12 và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Đó là một phụ nữ 41 tuổi, công dân Singapore trở về từ Nam Phi và một nam giới 44 tuổi, thường trú nhân đến từ Mozambique. Cả hai đã được đưa đến Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia để cách ly. Họ đều đã tiêm đủ liều vắc xin và không có bất kỳ tương tác nào trong cộng đồng.
Để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch vì Omicron, Singapore đã công bố các quy định kiểm soát biên giới mới, tạm cấm người đến từ 7 quốc gia châu Phi, bao gồm cả Nam Phi nhập cảnh, ngoại trừ công dân và thường trú nhân của Singapore kể từ ngày 28/11. Những người được phép nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở chỉ định.
Kể từ ngày 6/12, mọi người nhập cảnh vào Singapore qua tuyến đường bộ không đòi hỏi cách ly nối với Malaysia (VTL) sẽ phải làm xét nghiệm kiểm dịch hàng ngày trong 7 ngày ngay sau khi đến. Trước đó, đảo quốc sư tử chỉ đòi hỏi người nhập cảnh qua VTL có xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành, thực hiện xét nghiệm PCR khi đến và xét nghiệm nhanh vào các ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi nhập cảnh.
Malaysia hôm 3/12 cũng thông báo ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên tại nước này là một công dân ngoại quốc đã hoàn thành tiêm chủng, nhập cảnh từ Nam Phi hôm 2/12. Nhà chức trách cho hay, du khách từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là có nguy cơ cao từ biến thể Omicron sẽ không được phép đến đảo Langkawi theo sáng kiến bong bóng du lịch.
Trước đó, hôm 1/12, Bộ Y tế Malaysia thông báo tạm thời cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi đã xuất hiện biến thể Omicron hoặc có nguy cơ cao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi. Malaysia cũng sẽ hoãn các kế hoạch thiết lập tuyến đi lại dành cho người đã tiêm phòng với các nước nói trên, đồng thời tái triển khai quy định cách ly đối với công dân và người thường trú nhân trở về từ những nơi này.
Tại Lào, Bộ Y tế khuyến nghị những người từng mắc Covid-19 hoặc đã hoàn thành tiêm chủng nên tiêm mũi nhắc lại bằng bất kỳ loại vắc xin sẵn có nào để tăng cường khả năng miễn dịch. Nhà chức trách dự kiến sẽ triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường cho những người đã chủng ngừa trước đó bằng vắc xin của Sinopharm vào tháng 1/2022. Cho đến nay, nhiều nhân viên y tế tại Lào đã được tiêm mũi vắc xin thứ 3 không cùng loại với các mũi tiêm trước đó.
Ngoài lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ 9 nước châu Phi, Bộ Y tế Lào cũng đẩy mạnh xét nghiệm với mọi đối tượng được phép nhập cảnh nhằm sớm phát hiện biến thể Omicron để có biện pháp giám sát, cách ly phù hợp.
WHO khuyến nghị không hoảng sợ Omicron
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người không nên hoảng sợ, mà cần "sẵn sàng và thận trọng" ứng phó với các mối đe dọa từ biến thể Omicron.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo của Reuters ngày 3/12, khoa học gia trưởng WHO Soumya Swaminathan lưu ý, tình hình dịch bệnh hiện nay rất khác cách đây 1 năm. Đến nay, 38 quốc gia thông báo đã phát hiện các ca mắc biến thể mới. Số ca mắc Omicron tại Nam Phi, nơi đầu tiên nhận diện biến thể, đang tăng gấp đôi mỗi ngày.
Giới khoa học vẫn chưa xác định được liệu với lượng đột biến lớn nhất từ trước tới nay, Omicron có dễ lây lan hơn hoặc có khả năng né tránh vắc xin tốt hơn các biến thể khác hay không. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh chưa nhận được báo cáo về bất kỳ trường hợp tử vong nào vì biến thể này trên thế giới. Hầu hết các ca mắc đã phát hiện đều có triệu chứng nhẹ và không cần phải nhập viện điều trị.
Theo ông Mike Ryan, giám đốc các tình huống khẩn cấp của WHO, hiện không có bằng chứng cho thấy các loại vắc xin đang lưu hành cần phải sửa đổi để chống lại Omicron. Ông Ryan cho rằng, các chính phủ nên tập trung tăng tỷ lệ chủng ngừa cho dân bằng mọi vắc xin hiện có trên thị trường.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier phát biểu tại một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc ở Geneva rằng, các nhà sản xuất vắc xin nên chuẩn bị cho khả năng điều chỉnh sản phẩm của họ.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 4/12 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 261,7 triệu người, hơn 5,2 triệu ca tử vong. Song, gần 236,4 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 với hơn 49 triệu ca mắc, gần 800.000 bệnh nhân không qua khỏi. Khoảng 60% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 13% được tiêm mũi vắc xin tăng cường. Nhà chức trách nước này đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron tại nhiều bang như California, Minnesota, Colorado, Hawaii, New York, Nebraska, Maryland và Pennsylvania trong vòng một tuần trở lại đây.
- Trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng thông báo, Mỹ cuối ngày 3/12 bắt đầu chuyển 9 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước châu Phi và 2 triệu liều cho những nước khác trên toàn thế giới.
- Theo Chủ tịch Viện Robert Koch, Đức hiện có khoảng 926.000 người, tương đương hơn 1% trong tổng số 83 triệu dân đang phải điều trị vì mắc Covid-19. Nước này hiện là điểm nóng vì dịch ở châu Âu với gần 5,8 triệu ca mắc, 101.411 bệnh nhân tử vong kể từ đầu dịch. Đến nay, 69% dân số trên toàn quốc đã hoàn thành tiêm chủng.
- Công ty công nghệ sinh học Mỹ Novavax thông báo đã bắt đầu phát triển vắc xin chuyên phòng ngừa Omicron nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()