Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:14 (GMT +7)
Đông Nam Á thay đổi chiến lược ứng phó, chung sống với COVID-19 tới khi đạt miễn dịch cộng đồng
Thứ 6, 11/06/2021 | 16:32:13 [GMT +7] A A
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, các nước ở khu vực này đang làm gì để đối phó với làn sóng dịch bệnh?
Tại nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ, hàng quán được phép mở cửa, người dân có thể bỏ khẩu trang dạo chơi trên đường phố, cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Dịch bệnh bị đẩy lùi theo đà tiến của tốc độ tiêm phòng tại các quốc gia này.
Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 còn thấp, các Chính phủ và người dân đang nỗ lực thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh, chung sống an toàn với COVID-19 tới thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng.
Diễn biến dịch bệnh thời gian qua có thể cho thấy, vaccine COVID-19 thực sự là tấm khiên đáng tin cậy. Dịch bệnh bị đẩy lùi theo đà tiến của tốc độ tiêm phòng. Theo thống kê, 4 điểm nóng dịch bệnh tại Đông Nam Á hiện nay đều là những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp. Các quốc gia trong khu vực phải linh hoạt thay đổi chiến lược đối phó với dịch bệnh.
Trung bình trong 7 ngày qua, mỗi ngày Malaysia, Indonesia, Philippines đều ghi nhận khoảng 6.500 ca mắc mới COVID-19, Thái Lan ở mức 2.800 trường hợp. Lo ngại hệ thống y tế sụp đổ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố kéo dài các lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila và các vùng lân cận tới giữa tháng 6. Malaysia hành động quyết liệt, phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần đầu tiên của tháng 6. Malaysia cũng nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 8% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Con số này vẫn cao hơn mức 6,8% của Indonesia, 5,3% tại Thái Lan và 4,1% ở Philippines.
Có thể nói, các điểm nóng dịch bệnh tại Đông Nam Á đang trong cuộc đua kép, một mặt phải tích cực tiếp cận và thu mua được nhiều vaccine nhất có thể, mặt khác phải lên kế hoạch và triển khai tiêm chủng sao cho thật hiệu quả.
Đầu tuần này, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu tiêm của người dân, nước này thành lập thêm các điểm tiêm vaccine ngoài bệnh viện và có phương án phân bổ vaccine theo từng giai đoạn. Sau khi có thêm vaccine, Thái Lan sẽ bổ sung cho các tỉnh thành để đảm bảo, 70% dân số nước này được tiêm vaccine vào cuối năm nay.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết, đến nay, nước này đã tiêm hơn 4,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Hiện các bệnh viện tư nhân ở Thái Lan đã đặt mua 10 triệu liều vaccine Moderna và sẽ bắt đầu tiêm dịch vụ cho người dân từ tháng 10 tới với giá khoảng 3.800 Baht (hơn 2,9 triệu đồng) cho hai mũi tiêm.
Với 40% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, Singapore đang là nước đi đầu về tỷ lệ tiêm phòng ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, giới chức y tế nước này thừa nhận, vẫn còn một chặng đường dài trước khi Singapore đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Singapore là nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào giao thương quốc tế. Do đó, nước này không thể lựa chọn chống dịch bằng cách phong tỏa toàn quốc như nhiều nơi khác trên thế giới. "Trong bối cảnh bình thường mới, ta phải học cách sống chung với virus", đây là tuyên bố của Thủ tướng Singapre Lý Hiển Long khi ông công bố chiến lược giúp Singapore chung sống an toàn với COVID-19.
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, trong nhiều tháng tới Singapore mới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh, công tác xét nghiệm là mũi nhọn trong việc ngặn chặn dịch bệnh.
Singapore sẽ triển khai loạt phương thức xét nghiệm đa dạng bao gồm xét nghiệm nhanh (ART). Phương pháp này rẻ hơn, dễ thao tác hơn và có kết quả trong 30 phút, nhanh hơn so với phương pháp PCR thông thường vốn cần từ 1 - 2 ngày. Singapore còn cho phép sử dụng mẫu nước bọt sâu trong cổ họng để làm xét nghiệm, ít xâm lấn hơn so với việc lấy dịch mũi. Singapore cũng mới phê chuẩn máy xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở, có độ nhạy 93% và kết quả trong vòng 1 phút.
Khi đối mặt với những ổ dịch đông đúc, Singapore còn cho kiểm tra mẫu nước thải cụm dân cư, giúp truy vết dịch dễ dàng hơn. Ngoài ra, một phương pháp được chứng mình là hiệu quả cũng được Singapore và một số nước khác đang nghiên cứu áp dụng là cho chó đánh hơi COVID-19 với độ chính xác lên đến 96%. Người dân Singapore sẽ sớm được mua bộ xét nghiệm từ các điểm bán lẻ và tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Chính phủ Singapore nhấn mạnh, muốn chung sống an toàn với dịch bệnh, cần phải nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo cách ly sớm ca mắc, không để dịch lan rộng.
Malaysia, Philippines và Indonesia là 3 quốc gia Đông Nam Á đang nằm trong nhóm các nước có số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày cao nhất thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, nếu không thể tăng tốc chương trình tiêm phòng, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước có tốc độ tiêm vaccine nhanh có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()