Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 11:37 (GMT +7)
Đông Triều: Mới từ nông thôn mới
Thứ 6, 27/06/2014 | 06:14:53 [GMT +7] A A
Khi mới bắt tay vào triển khai chương trình nông thôn mới, 19 xã trong diện thực hiện đều xây dựng kế hoạch với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Ngay lập tức, huyện “vào cuộc” bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền để cấp xã cũng như người dân - chủ thể chính của chương trình hiểu rõ mục đích, mục tiêu của nông thôn mới. Với bước khởi đầu ấy cùng nhiều cách làm cụ thể, sâu sát đến nay, Đông Triều đã có 11 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí đã về đích nông thôn mới. Năm 2014 này, Đông Triều sẽ cơ bản hoàn thành chương trình nông thôn mới, về đích sớm so với mục tiêu của tỉnh 1 năm. Đó là một trong nhiều thông tin hấp dẫn do đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ trao đổi được đông đảo báo cáo viên chăm chú lắng nghe tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh vừa diễn ra.
Để minh chứng rõ hơn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ đã kể câu chuyện làm đường ở thôn Suối Găng, xã An Sinh. Thôn này chỉ có khoảng 30 hộ, trước khi triển khai chương trình nông thôn mới, chỉ riêng lĩnh vực giao thông ở đây cũng khó trăm bề; mỗi năm, huyện đều phải hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, từ “luồng gió” nông thôn mới, người dân thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm, họ tự bảo nhau, mỗi hộ đóng góp tiền triệu để làm đường. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, đứng ra đảm nhận nhiều mô hình nay đều trở thành “điểm sáng”. 167/173 thôn trong huyện có tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận; theo đó, hàng tháng, mỗi hộ dân đóng góp từ 10-15.000 đồng. Vì thế, vệ sinh môi trường nông thôn không còn là nỗi lo thường trực. Hội Cựu chiến binh thực hiện mô hình “thắp sáng đường quê”, theo thống kê trong toàn huyện có gần 10.000 bóng đèn thắp sáng ở 173 thôn, khu, phố với tổng km đường khoảng 300.
Một trong những kết quả lớn mà Đông Triều đạt được ở chương trình nông thôn mới chính là đời sống của người dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trước kia đạt 1.300 USD thì nay đạt trên 1.700 USD. Đặc biệt, giá trị canh tác trên 1ha tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp ba so với trước (100-160 triệu đồng/ ha). Một hộ nông dân chuyên chăn nuôi lợn ở thôn Quảng Mản, xã Bình Khê có năm thu nhập 6 tỷ đồng. Người nông dân vùng đất Đệ tứ chiến khu hôm nay còn rất nhanh nhạy, năng động trong việc xen canh những cây trồng năng suất, có giá trị kinh tế. Được biết, chỉ trong 3 tháng, 1 sào trồng củ đậu (từ lúc trồng tới khi thu hoạch mất 3 tháng), trừ các chi phí, bà con thu lãi từ 4-6 triệu đồng.
Một vài câu chuyện cụ thể trên đây chắc chắn chưa thể phản ánh được hết bức tranh “tươi sáng” của nông thôn mới ở Đông Triều. Song, thành tựu cũng như những kinh nghiệm của địa phương xứng đáng trở thành huyện mẫu để các huyện, thị xã học tập.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()