Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:14 (GMT +7)
Đông Triều: Nâng cao năng suất cây trồng chủ lực
Thứ 4, 18/09/2024 | 16:12:10 [GMT +7] A A
TX Đông Triều là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh, với hơn 2.400ha các loại, trong đó có hơn 912ha trồng na. Quả na Đông Triều cho giá trị kinh tế cao, đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng suất cho cây trồng chủ lực này.
Cây na Đông Triều được trồng tại 14/21 phường, xã và được chia làm 2 vùng trồng, trong đó vùng chủ lực tại các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh; vùng 2 gồm xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương. Do thời tiết ủng hộ nên sản lượng na năm 2024 ước tính đạt gần 11.000 tấn, năng suất 110 tạ/ha. Trong thời điểm cho thu hoạch chính vụ giữa tháng 8 vừa qua, giá bán khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Tiêu biểu như xã An Sinh hiện có diện tích trồng na lên tới 450ha, chiếm tới gần một nửa tổng diện tích trồng na của cả TX Đông Triều. Cây na được nông dân xã đầu tư trồng thâm canh và duy trì từ nhiều năm nay cho thu nhập ổn định từ 180-200 triệu đồng/ha.
Là cây ăn quả chủ lực, tuy nhiên sau một thời gian dài trồng và thu hoạch, nhiều diện tích cây na của Đông Triều già cỗi, cho năng suất thấp dần. Qua công tác rà soát được thực hiện từ năm 2023, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%. Nhiều vườn cây hiện có độ tuổi 20-30 năm.
Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh, cho biết: Để vườn na phát triển tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao, từ năm 2023 xã An Sinh đã tham gia thực hiện dự án Phục tráng các giống na đang được trồng tại địa phương. Mục tiêu của dự án là đảm bảo năng suất đạt trên 15 tấn/ha và thay thế được 30% diện tích na hiệu quả thấp bằng các giống đã được phục tráng. Thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực tập trung giai đoạn 2022-2023, định hướng đến năm 2030 của TX Đông Triều, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và phát triển cây na và hiện đã có 175ha na sản xuất theo quy trình VietGAP.
Còn tại xã Việt Dân, ngay sau khi kết thúc vụ na chính năm nay bà con cũng đã hoàn tất công đoạn cải tạo, rải vụ na mới. Chị Hà Thị Minh (xã Việt Dân) cho biết, mỗi năm vườn na của gia đình cho ra quả vào 2 vụ, vụ chính vào khoảng tháng 7-8 và vụ muộn vào tháng 10-11. Bên cạnh phương pháp rải vụ, gia đình cũng chủ động tiến hành cải tạo, chặt bỏ những cây na già cỗi để trồng cây na mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, với các kỹ thuật hiện có, nhất là kỹ thuật sản xuất na trái vụ, rải vụ thu hoạch, đa phần các hộ khai thác hết công suất của cây na. Nhưng nếu kỹ thuật chăm bón cho cây không có thay đổi nhiều so với quy trình cũ, cây na sẽ không có thời gian để khôi phục sức sinh trưởng sau khi thu hoạch, bị suy kiệt dần. Thậm chí cây mới được trên dưới 10 năm tuổi đã rơi vào tình trạng này.
Theo lãnh đạo UBND xã Việt Dân, địa phương đang tập trung chỉ đạo để cải tạo vườn na già cỗi, đặc biệt là tìm lại cây na đầu dòng chống chịu sâu bệnh, chất lượng tốt để nhân rộng. Đối với từng hộ dân, xã tiếp tục vận động bà con cải tạo cuốn chiếu từng diện tích để vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập; cải tạo nâng cao chất lượng dinh dưỡng của đất trồng.
Mục tiêu của TX Đông Triều là đến năm 2025, trên địa bàn thị xã sẽ duy trì và nhân rộng 665ha đạt chứng nhận VietGAP, 100% diện tích còn lại sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; 65ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, 65ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để hoàn thành những mục tiêu trên sẽ cần sự chung tay, đồng hành của các cấp chính quyền, phòng ban chuyên môn, các nhà khoa học, cùng các hộ nông dân để từng bước “trẻ hóa” vườn na, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc chăm sóc cây, từ đó khai thác tối đa tiềm năng, giá trị kinh tế từ cây na.
Bên cạnh đó, các địa phương có địa hình đồi núi phù hợp để phát triển cây ăn quả cũng chọn một số giống cây trồng chủ lực khác cho giá trị kinh tế cao, nhằm tạo ra thêm sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()