Tất cả chuyên mục

Theo Địa chí Quảng Ninh (tập 1) thì Quảng Ninh có khoảng 140 mỏ và điểm quặng thuộc nhiều loại khoáng sản khác nhau. Riêng than đá ở Đông Triều, tại các núi phía Đông gồm khu vực Mạo Khê - Tràng Bạch, kết quả thăm dò thấy có chứa 1,6 tỷ tấn, trữ lượng có thể khai thác được 887 triệu tấn. Chiều dày trầm tích chứa than lớn (2.900m) chứa 61 vỉa, trong đó 27 vỉa đạt độ dày công nghiệp, chất bốc cháy theo thể tích đạt 127cm3/gam, nhiệt lượng cháy đạt từ 7.800-8.600 cal/gam.
Chuyện tìm ra than đá ở Đông Triều (và cũng là ở Việt Nam) lần đầu tiên theo sử cũ ghi lại cũng là sự tình cờ; ấy là vào khoảng cuối thế kỷ XVII, có một tiều phu, sau một trận mưa lớn, đi kiếm củi ở vùng núi Đông Triều, thấy những tảng đá đen óng ánh, xù xì trồi lên mặt đất. Khi lấy mấy hòn đá đen ấy kê làm bếp đun nấu thì thấy nó bén lửa cháy đỏ rực và toả ra khí nóng kỳ lạ. Người tiều phu lượm mấy hòn đá đen chạy về báo quan. Viên quan đứng đầu tỉnh Quảng Yên khi ấy rất lo sợ, vội vã cho vật lạ vào hòm, niêm phong cẩn thận, rồi cử người, ngựa chạy suốt ngày đêm về kinh đô tâu trình. Triều đình cho đấy là “quái thạch”. Vua hoang mang, hạ lệnh tống giam “quái thạch” vào ngục thất. Duy có quan tế tửu là Trạng Bồng Vũ Duy Thanh (vị quan trông coi việc học hành ở Quốc Tử Giám), biết đó không phải là “quái thạch” mà là than đá. Do cũng có am hiểu khoa học, nên Trạng Bồng Vũ Duy Thanh đã hết lời phân giải với triều đình về cội nguồn, công dụng của than đá và xin vua ban sắc chỉ cho khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, nhưng không được chấp nhận.
Đến đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1820), triều đình nhà Nguyễn mới bắt đầu chú ý đến việc khai thác và sử dụng than đá. Triều đình ra sắc lệnh lấy sức dân khai thác 1 ngàn tấn than ở núi Yên Lãng (Đông Triều) chuyển về kinh đô Huế sử dụng, chủ yếu dùng trong việc đúc tiền và rèn vũ khí... Việc này đã được sử sách ghi lại. Ngày 8-8-2007, tại cố đô Huế, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đã bàn giao cho Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam bức dụ của vua Minh Mạng cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên (vùng Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật, khai thác than đá ở Đông Triều. Bức Dụ đã được lưu giữ tại Trung tâm và được dịch ra có nội dung: Tháng này, Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều, thuộc hạt đó. Trước đây Bộ (Hộ -người dịch chú thích thêm) đã tư cho hạt đó đào lấy 10 vạn cân than đúng kỳ chở về kinh đô giao nạp. Trẫm nghĩ nhân dân hạt đó vừa mới lại được hơi an ổn, sao nỡ đem việc không gấp gáp mà làm họ vất vả. Bọn Bật lại tâu hạt đó sau biến cố (vừa dẹp giặc xong -người dịch chú thích thêm) vụ mùa vừa mất, thu hoạch kém, đời sống rất khó khăn, dân đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng, chớ sơ suất để an uý lòng Trẫm muốn ra ân cho dân.
Khâm thử
Minh Mệnh năm thứ 20 ngày mồng 6 tháng 12 (tức 29-12-1840 - người dịch).
Như vậy, việc phát hiện ra than đá và những người đầu tiên đã khai thác than đá ở Đông Triều đều là người Việt Nam. Công cuộc khai thác than đá phục vụ cho nhà nước phong kiến sử dụng cũng đều là được phép của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ, và chính khi đó đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá tại Đông Triều trước khi triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp để lập Công ty Than Đông Triều vào năm 1888.
Được biết, để ghi nhận sự kiện này trong lịch sử khai thác mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xác định được điểm khai thác than đá đầu tiên ở xã Yên Thọ (thuộc huyện Đông Triều) và lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử này. Di tích này sẽ mãi là niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ và bề dày truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ ngành Than...
Ý kiến ()