Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:16 (GMT +7)
Đông Triều qua các thư tịch
Chủ nhật, 24/11/2024 | 14:23:15 [GMT +7] A A
Đông Triều là vùng đất được sử sách ghi nhận là quê gốc nhà Trần, một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Địa danh Đông Triều đã xuất hiện từ lâu trong thư tịch cổ.
Địa danh Đông Triều xuất hiện vào nửa sau thế kỷ thứ XIV, cách ngày nay hơn 600 năm, do vua Trần Dụ Tông (1341-1369) đổi tên từ xã An Sinh thành Đông Triều. Sách "Đông Triều huyện chí" do Tri huyện Đông Triều là Ngô Sán chép ngày 8/8/1896, cho biết, nơi đây từng là khu vực buôn bán sầm uất ở ven sông Cầm. Đông Triều là nơi thuyền bè tấp nập, là đường thuỷ trọng yếu miền biển.
Trong hơn sáu thế kỷ qua, Đông Triều đã bao lần thay đổi về mặt hành chính. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” ban đầu lỵ sở của huyện Đông Triều được đặt tại xã Đông Triều, tổng Đạm Thủy. Sách cũng cho biết, từ đời Trần về trước đất này gọi là châu Đông Triều, đến đời thuộc Minh thì thuộc phủ Tân An, sang đời Lê Thái Tông thì gọi là lộ Đông Triều thuộc thừa tuyên Nam Sách; sau đời Quang Thuận triều Lê thì đặt làm huyện Đông Triều thuộc phủ Kinh Môn. Đến thời Tây Sơn, phủ Kinh Môn bao gồm cả huyện Đông Triều được sáp nhập vào trấn An Quảng. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) lỵ sở huyện Đông Triều được dời đến xã An Lâm, tổng Mễ Sơn. Vào thời đó huyện Đông Triều có 5 tổng, 56 làng, xã. Hai năm sau, khi vua Tự Đức cho cắt bỏ tri huyện, Đông Triều có đến 11 tổng, 98 xã thôn. "Đồng Khánh Dư địa chí" cũng chép đơn vị hành chính ở Đông Triều có số lượng tương tự. Như vậy, theo các thư tịch cổ, Đông Triều có địa giới đất đai rộng lớn, vừa có núi cao lại có sông sâu, vừa có đồng bằng, nằm trên con đường giao thông đường bộ trọng yếu từ kinh thành Thăng Long ra Quảng Yên.
Năm Thành Thái thứ 8 (tức năm 1896) thực dân Pháp xây Đồn Cao thành một căn cứ quân sự kiên cố, Đông Triều và 7 xã thuộc tổng Bí Giàng sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên. Sau đó, Đông Triều lại thuộc Hải Dương và sở lỵ Đông Triều được mở rộng, khu vực xung quanh có dân cư ngày càng đông đúc, là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa… trở thành phố Đông Triều, là một trong 4 phố của tỉnh Hải Dương lúc bấy giờ.
Tháng 12/1946, huyện Đông Triều tách khỏi tỉnh Hải Dương để trực thuộc tỉnh Quảng Yên. Tháng 3/1947, Đông Triều trực thuộc Liên tỉnh Quảng Hồng. Năm 1957, nơi đặt sở lỵ huyện Đông Triều và phố Đông Triều được tách khỏi xã Đức Chính trở thành thị trấn Đông Triều, một đơn vị hành chính của huyện Đông Triều.
Năm 1959, huyện Đông Triều lại chuyển về tỉnh Hải Dương. Tháng 10/1961, huyện Đông Triều trở về thuộc Đặc khu Hồng Quảng. Ngày 30/10/1963, huyện Đông Triều chính thức trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh. Năm 2015, huyện Đông Triều trở thành TX Đông Triều. Từ ngày 1/11/2024, TX Đông Triều chính thức là thành phố thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh.
Qua quá trình hình thành phát triển, Đông Triều trực thuộc nhiều đơn vị hành chính khác nhau và địa giới hành chính cũng thay đổi nhiều, nhưng tên gọi Đông Triều hầu như không thay đổi và từ lâu đã đi vào lịch sử đất nước. Đây là một địa bàn có tầm chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Việc thành lập TP Đông Triều và các phường, xã mới là niềm vui, tự hào của quân và dân nơi đây, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và Khu vực đồng bằng sông Hồng.
Lê Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()