Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:33 (GMT +7)
Đốt tiền triệu vào vàng mã: Ứng xử thế nào cho đúng?
Thứ 2, 31/01/2022 | 14:42:25 [GMT +7] A A
Đã thành truyền thống, cứ đến các ngày lễ Tết, nhà nhà lại chuẩn bị vàng mã để đốt cho người đã khuất với quan niệm "trần sao âm vậy".
Về thủ phủ làm vàng mã ở làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội những giáp Tết, hình ảnh dễ nhận thấy là hộ kinh doanh nào cũng đang đóng gói, trang trí vàng mã để vận chuyển đi các nơi. Đây là làng nghề làm vàng mã lâu năm có tiếng ở Hà Nội. Ngay từ đầu làng đi vào, khách hàng đã bắt gặp hình ảnh những ông ngựa, hình người được xếp chồng lên nhau thành dãy dài hai bên đường.
Bà N., một tiểu thương kinh doanh vàng mã ở làng Phúc Am cho biết: “Nhà tôi làm vàng mã đến nay là 20 năm, từ đời tôi và giờ sang đời con. Mọi năm nhà lúc nào cũng chục người làm không hết việc. Năm nay do dịch COVID-19, lễ hội bị cấm hết nên cũng mất đi những mối hàng lớn, hầu như chỉ bán cho các gia đình họ mua cúng và dâng sao giải hạn. Có những gia đình năm nào cũng vậy, họ thường đặt cả một xe ô tô vàng mã nhà tôi chở đến, mỗi chuyến xe này xuống hàng thường là 100 triệu”.
Với mong muốn để người thân đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất, nhiều năm nay, chị Hương (sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn dành ra khoản tiền 1-2 triệu đồng để mua vàng mã về cúng tổ tiên. Năm nào cũng vậy, chị luôn đặt vàng mã tại cửa hàng quen và lấy đồ từ 20 tháng Chạp để kịp cúng ông Công, ông Táo.
Chị cho rằng người âm cũng như người dương, Tết thì phải có quần áo mới nên cứ đến ngày giỗ, lễ Tết là chị sẽ mua vàng mã bao gồm quần áo, đồ dùng cá nhân để thắp hương cho ông bà. Việc làm này giúp chị cảm thấy lòng nhẹ nhàng và thoải mái.
Khi được hỏi, chị có thấy việc làm này gây ô nhiễm môi trường và lãng phí không, chị liền khẳng định: “Tôi chỉ đốt ở nhà nên chắc sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường. Phần tiền chi mua đồ cho ông bà thì tôi không cảm thấy lãng phí, bởi đấy là cách duy nhất mà mình thể hiện sự biết ơn, báo hiếu tới ông bà, tổ tiên”.
Cũng giống chị Hương, chị Linh (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Mỗi dịp lễ, Tết tôi không bỏ nhiều tiền để mua vàng mã nhưng lúc nào thắp hương cũng phải có, từ ngày mùng 1, ngày rằm, ngày giỗ đến ngày lễ Tết. Tôi nghĩ rằng đó là truyền thống của dân tộc, không phải mê tín dị đoan".
Những lần mua vàng mã của chị Linh ít nhất cũng 35.000 đồng, nhiều thì lên tới vài triệu. Chị cho rằng đây là văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Thông thường ngoài tiền vàng, chị Linh sẽ sắm thêm quần áo mới, điện thoại, xe cộ hay thậm chí là những bao thuốc lá, những lon bia bằng giấy, thứ mà bố chị khi còn sống rất thích.
Dù nghe mọi người nói nhiều về vấn đề đốt vàng mã, nhất là những năm gần đây còn có nhà bị hỏa hoạn khi tiễn ông Công ông, Táo về trời nhưng chị Linh cho rằng đây là phong tục từ nhiều đời nay của cả dân tộc nên để thay đổi là rất khó.
Hiểu đúng về đốt vàng mã
Thạc sĩ Lưu Huyền Trang, giảng viên khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, tục đốt vàng mã là một trong những phong tục có từ lâu đời của người Việt với những ý nghĩa tâm linh nhất định và thường đi liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Khởi nguồn của tín ngưỡng này chỉ là chôn theo người chết những vật dụng hàng ngày trong đời sống để người chết có cuộc sống mới ở thế giới bên kia đủ đầy, sung túc.
Còn việc đốt vàng mã hay tiền âm phủ thì lại được ông bà ta tích hợp từ Đạo giáo của Trung Hoa như một loại bùa chú, phép thuật với một niềm tin là sẽ gửi được cho người đã khuất, lâu dần nó lại trở thành phong tục của ta.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn phong tục này như một cách tri ân, tưởng nhớ đến người đã khuất thì không có gì đáng bàn cãi. Điểm mấu chốt là trong vòng 10 năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế của người dân không còn khó khăn, đời sống tinh thần và tâm linh được chú trọng và nâng cao hơn nhưng lại bị tác động của mặt trái từ kinh tế thị trường nên hình thức tâm linh này không còn đơn thuần là một nghi lễ nữa mà trở thành sự phô trương, khoe mẽ hoặc thực dụng.
Thạc sĩ Lưu Huyền Trang cho rằng, hiện nay nhiều người phô trương, khoe mẽ khi bỏ ra nhiều tiền đốt nhiều vàng mã để thể hiện sự giàu có, thể hiện sự hiếu thảo. Thực dụng là khi mâm lễ dâng lên càng nhiều đồ, đốt càng nhiều vàng mã thì hy vọng các đấng linh thiêng chứng thực lời cầu xin của gia chủ càng nhiều và sẽ càng nhiều lộc. Tâm lý đó càng bị kích động hơn khi những người làm hàng mã làm ra những sản phẩm nhiều màu sắc, nhiều loại giấy, nhiều kiểu dáng, nhiều đồ dùng mô phỏng để kinh doanh.
Tất cả những điều đó khiến số lượng giấy bị đốt trở nên quá lớn. Không chỉ làm biến tướng một nét tâm linh trong nghi lễ thờ cúng, làm dung tục hóa văn hóa tín ngưỡng truyền thống mà tất yếu làm ảnh hưởng đến môi trường, tăng nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy và ảnh hưởng đến cả vấn đề kinh tế.
Và đáng buồn là càng ngày người ta càng nghĩ ra nhiều dịp để cúng lễ và đốt vàng mã ở khắp mọi nơi khiến cho cõi linh thiêng có khi cũng bị "trần tục hóa" y như câu nói "trần sao âm vậy".
Trong cuộc sống hiện tại, dù rất nhiều người, nhiều gia đình nhận thức được về mặt khoa học, biết được sự lãng phí hay tác hại của việc làm này rằng không vàng mã nào có thể đến được với người đã khuất như trong niềm tin tâm linh vẫn tương truyền. Nhưng nếu phải đưa vào quy định việc nghiêm cấm đốt vàng mã trong các dịp lễ Tết tại gia đình hoặc các nơi sinh hoạt cộng đồng thì lại là một bài toán khó.
Theo Thạc sĩ Lưu Huyền Trang, ở góc độ tâm linh và nhân văn, đây là việc làm xuất phát từ tình yêu, lòng kính trọng và tri ân của người sống với các thế hệ đi trước. Do đó, việc đốt vàng mã cũng chính là cầu nối để duy trì sự linh thiêng của sợi dây vô hình kết nối các thế hệ trong gia đình Việt Nam - một điều rất cần được duy trì trong xã hội hiện đại.
Nói thêm về vấn đề đốt vàng mã trong xã hội hiện đại ngày nay, Thạc sĩ Lưu Huyền Trang bày tỏ: “Chính khói hương và những nghi lễ, trong đó có việc đốt vàng mã khiến nghi lễ thờ cúng tổ tiên vẫn giữ được sắc thái của sự trang nghiêm, huyền bí, quan trọng trong mỗi dịp lễ, Tết, cúng, giỗ... Từ đó mọi thành viên trong gia đình thấy cần phải ngồi lại với nhau để thực hiện các nghi lễ và nhờ đó vẫn luôn gắn kết. Vấn đề quan trọng là cần làm thế nào để nghi thức đốt vàng mã trở về đúng nguyên gốc của nó chứ không mang màu sắc thương mại, thực dụng hay phô trương thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền, truyền thông đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến xã hội”.
Để việc đốt vàng mã là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc, thạc sĩ Lưu Huyền Trang đề xuất các cấp quản lý có thẩm quyền ở nhưng nơi sinh hoạt tâm linh cộng đồng cần đưa ra quy định về số lượng vàng mã được đốt, nơi hóa vàng và đảm bảo sự an toàn trong thực hành nghi lễ.
Đồng thời để hạn chế những tác hại đến môi trường cũng cần quản lý nghiêm đầu vào của những sản phẩm tâm linh này như chất lượng giấy, keo, khung tre... để khi đốt ở nhiệt độ cao giảm được độ ô nhiễm.
Cùng với đó là việc xử lý tro tại những nơi thờ tự, sinh hoạt tâm linh cộng đồng cũng cần được nghiên cứu, quản lý chặt để tránh việc xả thải ra sông, ao, hồ, cửa biển... để bảo vệ nguồn nước. Nhiều cơ quan chức năng, nhiều cá nhân góp phần lên tiếng thì sẽ làm giảm tải được những hệ lụy của hiện tượng này.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()