Tất cả chuyên mục

Dự án khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng làm nguyên liệu xã Đạp Thanh, Thanh Sơn (Ba Chẽ) do Công ty CP Xây dựng thương mại TKL (gọi tắt là Công ty TKL), có trụ sở tại phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả làm chủ đầu tư, chính thức được triển khai thực hiện từ năm 2010. Dự án có tổng diện tích rừng trên 1.650ha, trong đó khoanh nuôi, bảo vệ 727,9ha; chăm sóc 506ha; cải tạo và trồng mới 425ha. Đến thời điểm này Công ty đã trồng mới được 200ha rừng, chủ yếu là giống gỗ keo; dự kiến trong năm 2013 này trồng thêm 50ha nữa. Toàn bộ diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc của Công ty đều đạt hiệu quả tốt. Cụ thể trong 2 năm qua, Công ty không để xảy ra thất thoát tài nguyên rừng do các nguyên nhân cháy rừng, lâm tặc khai thác gỗ trộm hay các nguyên nhân khác. Đồng thời Công ty TKL còn tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho gần 10 người; tạo việc làm thời vụ cho từ 50 đến 100 lao động mỗi năm. Như vậy với dự án khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng làm nguyên liệu xã Đạp Thanh, Thanh Sơn do Công ty TKL bước đầu đã không chỉ góp phần gìn giữ, phát triển tài nguyên rừng, cân bằng hệ sinh thái rừng, mà còn từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương. Kết quả trên thật sự là sự cố gắng, nỗ lực đáng biểu dương của chủ đầu tư. Bởi thực tế, giống như nhiều các đơn vị đã và đang triển khai các dự án đầu tư lâm nghiệp khác, thời gian qua Công ty TKL gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn dành cho phát triển rừng, cũng như hiệu quả các hoạt động sản xuất bổ trợ cho công tác phát triển rừng. Ngoài ra, phần lớn diện tích rừng trong dự án của Công ty đều nằm xa trung tâm, một số diện tích rừng nhỏ lẻ. Điều này đã dẫn đến tình trạng Công ty gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý.
![]() |
Cán bộ Công ty CP Xây dựng thương mại TKL kiểm tra rừng trồng của đơn vị. |
Thực tế tại các diện tích rừng xa trung tâm của Công ty, đường đi lối lại rất khó khăn, nhiều cánh rừng không có đường giao thông hoặc có cũng chỉ là các đường mòn khó đi. Do đó đã ít nhiều ảnh hưởng tới việc tuần tra, bảo vệ, gìn giữ tài nguyên rừng của Công ty. Ngoài ra người dân ở khu vực này trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, còn có thói quen tự ý lên rừng chặt gỗ, lấy củi, khai thác lâm sản phụ… Để khắc phục tình trạng này Công ty đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời phối hợp với xã, huyện sở tại tích cực tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, từ đó phối hợp với Công ty giữ rừng. Anh Chíu Sinh Tình, nhân viên phụ trách tổ bảo vệ rừng của Công ty TKL cho biết: “Bà con ở đây thì không khai thác gỗ để bán đâu, chỉ là có một vài người lên rừng lấy củi về đun, hoặc chặt vài cây gỗ rừng đóng lại cái mái nhà hay làm chuồng trâu, chuồng bò. Nói thực là việc này không đúng nhưng lại đã trở thành thói quen của họ rồi. Bởi vậy không phải một sớm một chiều mà họ nhận ra được để mà thay đổi. Khi đó chúng tôi đã phải rất kiên trì để tuyên truyền, vận động, thậm chí phối hợp với chính quyền làm căng để hạn chế tình trạng này”.
Có lẽ nhờ vậy nên thời gian gần đây hầu như toàn bộ diện tích rừng của Công ty TKL không xảy ra hiện tượng bị xâm hại, kể cả các vụ xâm hại nhỏ lẻ. Ngoài ra, trong 2 năm vừa qua, mặc dù gặp không ít khó khăn song Công ty vẫn cố gắng huy động vốn để trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng. Trong đó chỉ tính chi phí cho việc trồng mới rừng mỗi năm đã chiếm trên dưới 1 tỷ đồng. Điều đáng nói là mặc dù theo quy định các dự án lâm nghiệp sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, tuy nhiên đến thời điểm này, sau hơn 2 năm triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, Công ty TKL vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Trần Bá Toản, Phó Giám đốc Công ty TKL khẳng định: “Đối với dự án lâm nghiệp chúng tôi thật sự rất cần vốn. Bởi ai cũng biết việc đầu tư vào đây luôn có chi phí lớn, thời gian đầu tư lâu và sinh lợi chậm. Bởi vậy trong thời gian qua, nếu Công ty không thực sự cố gắng thì chắc chắn sẽ không bỏ vào rừng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm…”.
Có thể thấy những nỗ lực của Công ty TKL nói trên thật sự rất đáng biểu dương, nhất là trong tình trạng hiện nay không ít đơn vị, doanh nghiệp nhận đất rừng rồi để đó chứ không đầu tư gì. Điều này dẫn đến các mục tiêu về quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng chưa đạt hiệu quả nếu như không muốn nói là ngày càng lộ rõ những bất cập, tồn tại.
Thanh Bình
Ý kiến (0)