Tất cả chuyên mục

Dự án mở rộng giai đoạn 1 của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, dự kiến hoà lưới điện quốc gia vào ngày 15-9-2006; khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản lượng điện bình quân 2,68 tỉ KWh/năm.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Uông Bí, đến ngày 27-11-2009 mới bàn giao cho chủ đầu tư và ngày 18-12-2009 hoà lưới điện quốc gia, chậm so với hợp đồng 41 tháng. Đến nay, thỉnh thoảng giai đoạn 1 vẫn bị gián đoạn sản xuất và vận hành rất khó khăn.
Kỹ sư của LILAMA kiểm tra các thông số của lò hơi.
Những rủi ro được báo trước
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư năm 2000 có công suất 300MW, sản lượng điện 1,8 tỷ KWh/năm; tổng mức đầu tư 4.271 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 10 gói thầu, trong đó gói thầu số 7 (thiết kế, chế tạo, cung cấp…) chiếm hai phần ba tổng kinh phí của dự án. Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng EPC theo hình thức chìa khoá trao tay. Ngày 19-5-2003, EVN và LILAMA ký hợp đồng thực hiện gói thầu số 7, thời gian thực hiện là 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Theo hợp đồng, dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng phải nghiệm thu từ đầu tháng 6-2006, tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2009, nhà máy vẫn chưa thể bàn giao cho chủ đầu tư, chạy hoà lưới điện quốc gia. Theo báo cáo của EVN, trong quá trình chạy thử, thí nghiệm nhà máy đã xảy ra nhiều trục trặc, sự cố như rách thủng ống quá nhiệt trung gian bức xạ, chi tiết kẹp ống, bơm dầu nâng trục tuabin bị hỏng, nứt thân van chặn phía đầu đẩy bơm cấp, thiết kế lò chưa hợp lý nên phải sửa chữa cải tạo cắt bỏ toàn bộ 26 giàn quá nhiệt bức xạ cao áp và 6/26 giàn quá nhiệt trung gian bức xạ hạ áp của lò hơi, thủng đường ống liên thông dẫn hơi từ tuabin trung áp sang tuabin hạ áp, một số lần xì ống sinh hơi, nứt bệ đỡ quạt gió nóng… Xác định nguyên nhân được các bên cho rằng, chính là do tiền của Dự án bị giới hạn nên đã phải lựa chọn các thiết bị của nhà thầu có rủi ro cao như: Lò hơi, tuốc-bin, máy phát của nhà thầu Tập đoàn Power Machines (Nga). Đây là nhà chế tạo lần đầu tiên thiết kế chế tạo lò hơi gam công suất 300MW dùng bao hơi nên chưa có kinh nghiệm; chất lượng thiết kế của thầu phụ và công tác kiểm soát thiết kế nội bộ không đạt yêu cầu. Đến thời điểm này, do vướng mắc và bị lỗ trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu chính Power Machines đã đơn phương chấm dứt hợp đồng để lại toàn bộ các khiếm khuyết và công việc còn lại theo yêu cầu hợp đồng không thực hiện. Trong khi đó, lò hơi của nhà máy mỗi tháng 1 lần phải dừng hoạt động để xử lý sự cố.
Nỗ lực của tổng thầu
Sau khi nhà thầu chính Power Machines đơn phương chấm dứt hợp đồng, mọi gánh nặng sự cố trong quá trình bảo trì bảo hành đã đè nặng trên vai tổng thầu LILAMA. Bằng nỗ lực của mình và khắc phục việc thiếu vốn do dự án bị lỗ, LILAMA đã chủ động tiến hành khắc phục các khiếm khuyết nguy cơ gây ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của tổ máy duy trì phát liên tục đạt công suất định mức huy động tối đa lên lưới, khẩn trương khắc phục các sự cố trong thời gian ngắn nhất để khởi động lại tổ máy. Mặt khác, LILAMA tiếp tục ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ thứ 3 để thực hiện các nghĩa vụ còn lại của dự án. Ông Trường Văn Linh, Phó Giám đốc Ban dự án Điện Uông Bí (thuộc Tổng thầu EPC - LILAMA) cho biết: “Hiện tại LILAMA đang thực hiện hiệu chỉnh tối ưu hoá chế độ làm việc của lò hơi để giải quyết việc tạo xỉ bám vào đai đốt hai bên hông lò. Đồng thời tiếp tục tối ưu hoá các chế độ công nghệ và chế độ điều khiển tổ máy để bảo đảm tổ máy sẵn sàng “run back” khi các sự cố xảy ra. Tối ưu hoá thời gian khởi động tổ máy để giảm chi phí nhiên liệu cho các lần khởi động. Bên cạnh đó thực hiện bảo dưỡng lại toàn bộ tua bin, máy phát để đến thời hạn hết thời gian bảo hành sẽ bàn giao cho Công ty Nhiệt điện Uông Bí một tổ máy hoàn hảo”.
Trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 lúc này đoàn chuyên gia khảo sát của nhà thầu phụ đang khảo sát hiện trạng thực tế tổ máy, đặc biệt là các thông số rung tại hai gối số 4 và số 7. Trong giai đoạn dừng tổ máy để xử lý xỉ than trong lò hơi sẽ khắc phục triệt để vấn đề rung hai gối nói trên thay biện pháp chống rung đang áp dụng hiện tại là đặt thêm tải trọng phụ vào gối số 7.
Ý kiến (0)