Thác Đỗ Quyên trong Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã là đầu nguồn của một trong hai nhánh sông chính, hợp thành sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Gọi là thác Đỗ Quyên vì vào mùa xuân, xung quanh thác có nhiều cây hoa đỗ quyên nở rộ. Thác cao khoảng 400 m, nước đổ từ trên cao xuống như một dải lụa trắng vắt ngang núi rừng xanh biếc.
Anh Lê Lưu Dũng lần đầu trải nghiệm hoạt động canyoning tại thác Đỗ Quyên ngày 10/8, trong chuyến khảo sát để xây dựng tour du lịch kết hợp cùng VQG Bạch Mã. Canyoning thường được gọi là tour đu dây vượt thác, là một hoạt động mạo hiểm ngoài trời, kết hợp giữa đu vách đá và các hoạt động vượt thác, sử dụng các kỹ thuật như đi bộ, vượt địa hình gập ghềnh, nhảy tự do xuống nước, đu dây xuống thác và bơi lội.
Đoàn anh Dũng đi theo đường Bạch Mã từ thị trấn Phú Lộc lên Khu du lịch Bạch Mã. Từ bãi đỗ xe đường mòn Đỗ Quyên, đoàn đi theo biển chỉ dẫn khoảng 1,5 km, mất khoảng 30 phút để đến đỉnh thác.
Thác cách đường khoảng một km và cách khu du lịch khoảng hai km.
Đứng trên đỉnh núi có thể thu vào tầm mắt thiên nhiên vô tận, núi rừng trùng điệp của VQG Bạch Mã. Đây cũng là điểm bắt đầu trải nghiệm canyoning.
Một số yêu cầu đối với người tham gia trải nghiệm canyoning là có thể lực tốt, không mắc các bệnh lý về xương khớp, tim mạch, hen suyễn, không sợ độ cao.
Người tham gia sẽ đeo các thiết bị chuyên dụng như đai an toàn, mũ bảo hiểm, găng tay và bắt đầu đi từ đỉnh xuống dưới chân thác bằng hệ thống dây đu chất lượng cao, anh Dũng cho biết.
Để đảm bảo an toàn, người tham gia cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của kĩ thuật dây đã được đội an toàn hướng dẫn trước đó. Đồng thời, du khách cần tập trung quan sát và làm theo chỉ dẫn của đội an toàn trong suốt quá trình đu dây vượt thác, anh nói thêm.
Quá trình đu dây vượt thác không duy trì liên tục, có điểm dừng để lấy sức. Các điểm dừng là những mặt phẳng ở lưng chừng thác, có diện tích đủ rộng để có thể đứng hoặc ngồi. Không tháo dây đu và các thiết bị chuyên dụng trong lúc nghỉ để đảm bảo an toàn.
Theo anh Dũng, "canyoning là một hoạt động thể thao ngoài trời có tính mạo hiểm nhưng rủi ro gần như bằng không khi người tham gia luôn được kết nối với một dây life-line điều khiển bởi team trợ lý an toàn". Đội an toàn cũng đã được đào tạo nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn kỹ thuật dây trong trường hợp khẩn cấp theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Hang động Mỹ.
Đối với cá nhân anh Dũng, chinh phục thác Đỗ Quyên là một trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ. "Ngắm cảnh khi đang lơ lửng giữa lưng chừng vách đá mang đến cảm giác kích thích và thú vị, khác với việc đứng ngắm nhìn khung cảnh từ trên đỉnh thác bằng phẳng", anh nói.
Để trải nghiệm canyoning thác Đỗ Quyên, theo anh Dũng, thời điểm thích hợp nhất là từ tháng 3 đến tháng 9. Bên cạnh điều kiện thời tiết đẹp, lưu lượng nước tại thác không quá lớn cũng khiến trải nghiệm an toàn và thoải mái hơn.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết hoạt động canyoning thác Đỗ Quyên nằm trong tour khám phá VQG Bạch Mã, bắt đầu khai thác vào 1/1 với giá 15 triệu đồng một người.
Đến thác Đỗ Quyên, ngoài canyoning, du khách có thể cắm trại qua đêm, giao lưu văn hóa cùng porter bản địa, trekking VQG Bạch Mã, bơi lội ở Ngũ Hồ và tận hưởng không gian thiên nhiên tại VQG Bạch Mã.
Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991, có tổng diện tích 37.487 ha, nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách TP Huế khoảng 40 km. Đây là dải rừng nguyên sinh duy nhất của Việt Nam nối ngang đất nước từ Biển Đông đến biên giới Việt - Lào, là nơi bảo vệ hệ sinh thái giao thoa giữa hai luồng khí hậu Bắc - Nam và các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Ngọn núi nằm nép mình bên dãy Trường Sơn trông giống như một con ngựa trắng duỗi chân hướng ra biển nên có tên là núi Bạch Mã. VQG Bạch Mã là điểm du lịch thu hút du khách yêu thiên nhiên đến khám phá hệ sinh thái.
Ý kiến ()