Dù có phần sợ hãi, nhiều du khách trẻ vẫn "liều mình" tìm tới trại rắn Đồng Tâm để tham quan, chiêm ngưỡng các loài rắn độc như hổ mang chúa, mai gầm…
Gần đây, giới trẻ truyền tai nhau một địa chỉ du lịch "không dành cho người yếu tim", đó là trại rắn Đồng Tâm, nằm tại thị trấn Tân Hiệp thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tới đây, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành như: rắn ráo, rắn nước… đến các loài rắn độc như hổ mang chúa, mai gầm…
Vài năm trở lại đây, trại rắn Đồng Tâm trở thành điểm du lịch thu hút du khách (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Chàng trai quê Tiền Giang - Nguyễn Nhật Minh từng có chuyến "săn" ảnh tại trại rắn Đồng Tâm. Bộ ảnh của anh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến nhiều người tò mò tìm tới tham quan (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Trại rắn Đồng Tâm nằm cặp bờ sông Tiền, trên địa bàn huyện Châu Thành, Tiền Giang, diện tích khoảng 12ha. Đâu được xem là trang trại rắn lớn nhất ở Việt Nam, xây dựng từ năm 1977 (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Khi vào trại rắn Đồng Tâm, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những con rắn hổ mang chúa khổng lồ hay rắn hổ đất ngóc đầu, khèn, phùn mang, thủ thế… Nhiều người thót tim, “hồn vía bay mất” khi thấy rắn hổ mang ngóc đầu, lăm lăm nhìn... (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
"Khi mình đăng tải những bức ảnh chụp rắn, nhiều người tò mò hỏi: "Khi chụp, bạn có sợ không?" hay "Sao bạn liều thế". Thực tế, mình đứng rất xa, sử dụng lens tele (ống kính tiêu cự dài) để chụp. Điều này vừa giúp bảo vệ an toàn cho mình, vừa hạn chế tạo ra tiếng động khiến rắn bỏ chạy", Nhật Minh chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Để có thể "săn" được những tấm hình ấn tượng, Minh đến trại rắn buổi trưa - thời điểm không đông khách du lịch, không gian tĩnh lặng. Anh cũng chọn thời điểm này để có nắng gắt, làm nổi bật rõ nét phần da rắn và tạo được những mảng sáng, tối ấn tượng (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
"Mình đi thật nhẹ, rón rén, không muốn tạo ra bất cứ âm thanh nào khiến rắn bỏ đi", Nhật Minh kể. "Thực sự đây là điểm đến rất thu hút trẻ em. Với người trẻ, nơi đây giải tỏa sự tò mò, hiếu kì nhưng mình nghĩ không nhiều người quay lại, bởi nó không quá đa dạng như các vườn bách thú, công viên quy mô, đầu tư thương mại lớn", anh nói thêm (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Rắn ở đây được nuôi để lấy nọc, phục vụ nhu cầu điều trị trong nước và xuất khẩu (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Khách tới tham quan có thể xem rắn độc và nghe chuyên gia hướng dẫn cách phòng tránh hay xử lý khi bị rắn cắn. Ngoài ra, trang trại còn có một bệnh xá chuyên điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn, giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm (Ảnh: Nguyễn Nhật Minh)
Ý kiến ()