Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:46 (GMT +7)
Du khách Trung Quốc xa lánh Thái Lan vì phim bom tấn
Thứ 7, 23/09/2023 | 10:18:19 [GMT +7] A A
Do những tin đồn trên mạng xã hội và hình ảnh trong một bộ phim bom tấn, du khách Trung Quốc nghĩ Thái Lan là một quốc gia nguy hiểm, đầy rẫy thủ đoạn lừa đảo tinh vi.
Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, khi ngành này đóng góp tới 12% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm, quốc gia Đông Nam Á này lại chào đón tới hơn 10 triệu du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, sau COVID-19, số lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan không được như kỳ vọng.
Theo hãng tin AFP, ngành du lịch Thái Lan đang bị ảnh hưởng từ những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội cho rằng khách du lịch có thể bị bắt cóc và đưa qua biên giới, bị ép làm việc trong các tổ hợp lừa đảo ở Myanmar hay Campuchia.
Jia Xueqiong - một nữ du khách Trung Quốc - quyết định du lịch Thái Lan một tuần cùng chồng và con gái, bất chấp sự phản đối từ bố mẹ.
“Họ cảm thấy ở đây không an toàn và cố gắng thuyết phục chúng tôi không nên đến đây. Trong khi đó, tất cả bạn bè của tôi đều nói đi khám phá trước đi, nếu ổn họ sẽ theo sau”, nữ y tá 44 tuổi chia sẻ với hãng tin AFP khi gia đình cô đang thăm quan Cung điện Hoàng gia ở Bangkok.
Nỗi lo của gia đình và bạn bè Jia xuất phát từ bộ phim tâm lý tội phạm “No more bets” (Được ăn cả, ngã về không) mới ra mắt tháng 8 năm nay. Bộ phim dựa trên những sự kiện có thật, kể về một lập trình viên máy tính bị rơi vào vòng xoáy phạm tội của một tổ chức lừa đảo ở Đông Nam Á sau khi bị buôn bán qua một quốc gia giấu tên nhìn giống với Thái Lan.
Tất nhiên bộ phim này có một chút phản ánh thực tế. Theo các bài viết trên AFP và các phương tiện truyền thông khác trước đây, hàng nghìn người Trung Quốc bị dụ dỗ đến các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á, chủ yếu ở Myanmar và Campuchia, rồi sau đó bị ép buộc làm việc trực tuyến lừa đảo các nạn nhân với số tiền lớn. Nhưng hầu hết những người này đều bị lừa đến các trung tâm qua lời mời việc làm giả mạo chứ không phải bị bắt cóc khi đi du lịch. Cho đến nay, tại Thái Lan, chưa ghi nhận bất kỳ hành vi lừa đảo nào như khách du lịch lo sợ.
Mặc dù chỉ mới ra mắt vào tháng 8, No More Bets đã trở thành bộ phim ăn khách thứ ba ở Trung Quốc trong năm nay, thu về 3,8 tỷ nhân dân tệ. Sau khi bộ phim ra mắt, du lịch Thái Lan trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Leanna Qian, 22 tuổi học tại Bắc Kinh, cho hay dù biết một số câu chuyện là phóng đại nhưng cô vẫn lo ngại về việc du lịch Thái Lan.
Kêu gọi hành động
Theo dữ liệu chính thức, năm 2019, Thái Lan chào đón kỷ lục 11 triệu khách du lịch Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng số du khách trong năm. Nhưng kể từ đầu năm 2023, chỉ có 2,3 triệu khách du lịch Trung Quốc đến “xứ sở chùa vàng”.
Tuần trước, chính phủ Thái Lan đã tuyên bố miễn thị thực tạm thời cho du khách Trung Quốc nhằm khởi động lại dòng chảy khách du lịch.
Sisdivahr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Thái Lan, chỉ ra rằng, những thông tin thảo luận tiêu cực về hình ảnh đất nước Thái Lan trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến lượng du khách sụt giảm. “Mọi chuyện không xảy ra ở Thái Lan nhưng Thái Lan lại là mục tiêu”, ông lưu ý.
Tin đồn bắt đầu xuất hiện trên mạng vào tháng 3 và lan truyền nhanh chóng, với các bài đăng được chia sẻ cùng hàng triệu lượt xem. Các chủ đề về việc liệu du lịch ở Đông Nam Á có an toàn hay không trở thành xu hướng phổ biến trên Weibo.
Những tin đồn được lan truyền nhanh đến mức đầu năm nay, Đại sứ quán Thái Lan tại Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố trấn an du khách rằng các quan chức sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Không chỉ riêng Thái Lan, quốc gia láng giềng Campuchia còn chịu tình cảnh tồi tệ hơn.
Chhay Sivlin, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Campuchia, cho biết công ty của bà chưa đón được bất kỳ nhóm khách Trung Quốc nào trong năm nay vì các khách đều lo lắng về an toàn.
Về phần mình, tại Trung Quốc, các đại lý du lịch đang chuyển trọng tâm từ các chuyến đi nước ngoài, vốn chiếm hơn 40% doanh thu du lịch trước đại dịch, sang đẩy mạnh các chuyến nội địa.
Hoạt động du lịch cũng đang phải gánh chịu hậu quả từ các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh, khiến khoảng 1,2 tỷ người không thể rời khỏi Trung Quốc sau khi biên giới nước này bị đóng cửa vào năm 2020.
Gary Bowerman, giám đốc công ty tư vấn du lịch và lữ hành Check-in Asia, cho biết người dân Trung Quốc phải mất thời gian để làm quen lại với việc đi du lịch nước ngoài. Ông nói: “Khi ra nước ngoài, họ lo lắng về các trò lừa đảo. Nó thực sự có tác động đến tâm lý của mọi người khi đi du lịch”.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()