Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:48 (GMT +7)
Du lịch dần phục hồi, thích ứng an toàn
Thứ 6, 11/02/2022 | 15:22:40 [GMT +7] A A
Theo Tổng cục Du lịch, từ những tín hiệu du lịch đầu năm có thể khẳng định du lịch đang từng bước phục hồi. Các địa phương chuẩn bị điều kiện để đón khách quốc tế khi được phép.
Du lịch nội địa là chủ đạo, mở cửa từng bước du lịch quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch trong dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Tây Ninh, Kiên Giang, Lâm Đồng… đã đón một lượng lớn du khách.
TP Hồ Chí Minh đã đón 280.000 lượt khách, trong đó khách đến các điểm tham quan 200.000 lượt; tổng thu đạt 3.100 tỷ đồng, trong đó doanh thu tại các khu, điểm du lịch đạt khoảng 140 tỷ đồng; công suất phòng tại các khách sạn 4 - 5 sao khoảng 40 - 45%. Tây Ninh là địa phương đón lượng khách lớn nhất với 595.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú khoảng 65%. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách, tổng thu đạt 358 tỷ đồng; công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%. Tỉnh Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, công suất cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 95%. Tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 290.000 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu khoảng 400 tỷ đồng; công suất khách sạn 4 - 5 sao đạt 80 - 90%...
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong dịp Tết vừa qua, dù các hoạt động du lịch chủ yếu là đi theo nhóm nhỏ, tự đi nhưng rất sôi động. Công suất cơ sở lưu trú đạt rất cao. Có thể khẳng định du lịch từng bước khôi phục. Năm 2022 du lịch nội địa vẫn là chủ đạo, còn du lịch quốc tế từng bước được khôi phục trở lại, mở cửa từng bước đảm bảo thích ứng an toàn.
Từ góc độ địa phương, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc mở cửa để đón khách du lịch là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đối với du lịch nội địa, Hà Nội đã cho phép mở một số dịch vụ và điểm di tích, điển hình là danh thắng chùa Hương sẽ mở cửa từ ngày 16/2.
Đối với khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn từ ngày 31/3. Tới đây, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố sẽ được mở đồng loạt để đón khách. Việc cần làm lúc này là các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phải chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để sẵn sàng đón khách, trước mắt là khách nội địa, tiến tới đón khách quốc tế.
Còn ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Crystal Holidays cho biết: Du lịch năm 2022 sẽ bắt đầu khởi sắc, đầu tiên là du lịch nội địa, các điểm du lịch đang đón khách và chắc chắn sẽ có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của du khách. Chính sách của Nhà nước cũng dựa trên các hoạt động du lịch tại các địa phương mà dần dần cởi mở cho phép mở lại toàn bộ. Đây là xu thế chính trong năm 2022 và không còn tình trạng như 2 năm qua là lúc mở, lúc đóng.
“Để đón khách quốc tế thì cần những điều kiện về an toàn tại điểm đến, các dịch vụ, con người, sản phẩm du lịch phải chuẩn bị kỹ. Điều kiện để cho khách vào liên quan đến các thủ tục hành chính như visa, chuyến bay, hộ chiếu COVID cần tiếp tục cải thiện cùng với hướng dẫn an toàn của ngành y tế. Tuy nhiên để phát triển bền vững liên quan đến nhiều chất lượng dịch vụ. Nếu không chuẩn bị kỹ thì cũng không hiệu quả và không có khách quay lại hoặc chỉ có khách công vụ. Hiện các nước như Phillipnes, Campuchia, Thái Lan, Singapore đã mở cửa và có nhiều chính sách thu hút khách như giá, sản phẩm du lịch”, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, do nhiều điểm di tích và du lịch chưa được phép mở cửa, nên lượng khách đến Hà Nội không đông như nhiều địa phương khác. Người Hà Nội đi du lịch các tỉnh, thành phố khác nhiều. Để phát triển du lịch bền vững, việc phòng, chống dịch luôn là nhiệm vụ hàng đầu, vì điểm đến có an toàn thì khách mới yên tâm du lịch. Từ chủ trương mở cửa của Chính phủ rồi các địa phương, doanh nghiệp mới mạnh dạn xây dựng sản phẩm phù hợp, đặc trưng.
Nỗi lo về nhân lực
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, với những người làm du lịch cũng bộn bề nỗi lo. Nguy cơ lớn nhất là nhân lực. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trước khi xảy ra dịch COVID-19, ngành du lịch có hơn 2,5 người; trong đó gần 1 triệu người làm trực tiếp. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch COVID-19, với 95% doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động nên nguồn nhân lực đã chuyển sang lĩnh vực khác. Do đó, với đà phục hồi du lịch, nỗi lo lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng.
Ông Vũ Thế Bình cho biết: Chất lượng dịch vụ quyết định bởi nhân lực. Đặc biệt là khi phát triển du lịch nghỉ dưỡng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Để khôi phục lực lượng này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tập huấn, đào tạo lại. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách cũng thay đổi, gắn với yếu tố an toàn cũng rất cần phổ cập lại kiến thức mới trong giai đoạn mới
Từ góc độ thực tế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bích cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị vẫn duy trì lực lượng chủ chốt. Hiện nay, với doanh nghiệp lữ hành, vấn đề khó khăn chủ yếu là nhân lực và sản phẩm phù hợp, truyền thông cho sản phẩm. Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ về vốn và chuyển đổi số, nhất là việc miễn giảm thuế, các điểm thăm quan du lịch giảm giá vé, hỗ trợ miễn phí visa…
Còn ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, một trong những khó khăn lớn lúc này là vấn đề nguồn nhân lực trong ngành du lịch đã bị hao tổn. Đa phần các doanh nghiệp lữ hành đã giảm nhân sự. Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ khách khi các điểm đến mở cửa.
Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong, từ sau dịp Tết đến nay, ngoài khách lẻ đã có nhiều khách đoàn đặt tour trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động du lịch thời gian qua, để mở thu hút khách và tạo điều kiện phát triển du lịch cần “nới lỏng” một số dịch vụ khác như thời gian mở/đóng một số cửa hàng ăn uống để thuận tiện cho lịch trình di chuyển của du khách.
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()