Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:52 (GMT +7)
Du lịch mùa lễ hội xuân
Chủ nhật, 27/02/2022 | 06:14:35 [GMT +7] A A
Du xuân trảy hội là truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt. Với hệ thống các di tích phong phú, trong đó nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo khang trang thì việc hút khách dịp đầu năm cũng là tất yếu. Vì vậy, với mục tiêu của Quảng Ninh là đón 3-3,5 triệu khách trong 3 tháng đầu năm 2022 thì con số khách đến với các điểm du lịch văn hoá tâm linh chắc chắn sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể.
Hút khách du xuân
Qua thống kê từ Ban Quản lý di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên cho thấy, số khách về đền Cửa Ông tham quan, chiêm bái từ đầu năm đến hết ngày 22/2/2022 đạt hơn 96.000 người. Trong đó, cao điểm nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán mà đỉnh điểm là ngày 5/2 với gần 12.000 khách. Số khách trong tuần tiếp theo cũng vẫn ở mức cao, có ngày tới gần 7.000 người và giảm hơn ở thời gian sau đó.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Ban Quản lý di tích, cho biết: Lượng khách đến đền Cửa Ông chủ yếu trên địa bàn tỉnh, ở tỉnh ngoài ít hơn và thường đi theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè, có khi cũng đi những xe to mấy chục khách. Số khách này thường không chỉ đến riêng đền Cửa Ông mà đi theo tour tới một loạt các điểm di tích trên địa bàn như Yên Tử, Ba Vàng, Cửa Ông, Cái Bầu…
Nằm trong top các di tích hút khách bậc nhất của Quảng Ninh, tổng lượng khách về với di tích - danh thắng Yên Tử kể từ đầu năm đến ngày 21/2 vừa qua đạt trên 104.000 khách. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho hay, tín hiệu về du lịch và khách lưu trú khá tốt. Công suất phòng của Legacy Yên Tử trong tháng 2 khá cao, đạt trên 90%, còn với khu nghỉ tại làng Nương thì đạt khoảng 60%. Lượng khách chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc khác, cùng với việc đi theo các nhóm nhỏ tự tổ chức thì các đoàn do lữ hành đón khách cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Khảo sát của chúng tôi ở Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều cũng cho thấy, khách đến tham quan các điểm di tích không đồng đều, tập trung nhiều nhất tại đền An Sinh, am - chùa Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm… với tổng lượng khách tính đến hết ngày 22/2 là gần 78.000 người. Do đặc thù các di tích nhà Trần gần gũi với người dân trong vùng nên khách trước hết là bà con trên địa bàn thị xã, sau mới mở rộng ra khách các địa phương lân cận cũng như khách ngoại tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…
Đó chỉ là khảo sát ở một số quần thể di tích lớn, nhiều điểm khác trong toàn tỉnh cũng thu hút khá đông khách như chùa Ba Vàng, Cái Bầu, khu di tích Bạch Đằng... Dù đã mở cửa du lịch nhưng thực tế lượng khách đến các điểm di tích vẫn chịu sự tác động nhất định từ dịch Covid-19.
Theo đánh giá của ông Lê Trọng Thanh thì lượng khách chưa thể phục hồi hoàn toàn, như Yên Tử sau khi ra Tết thì vào dịp cuối tuần cũng chỉ có thể đạt 6.000-7.000 khách, những ngày mưa rét lại rơi vào ngày thường dịp gần đây thì lượng khách có khi chưa tới nghìn khách. Và so với thực tế các điểm chùa rải rác trong không gian rộng lớn của Yên Tử thì lượng khách những ngày qua vẫn chưa thấm vào đâu. Hệ thống cáp treo của đơn vị ngay cả vào những ngày cao điểm đều mới chỉ vận hành 2/4 tuyến cáp treo và đảm bảo khoảng 20-30% công suất. Như vậy, dù có sự khởi sắc tích cực nhưng so với thời điểm trước dịch thì chưa thể so sánh được.
Đó cũng là thực trạng chung trong toàn tỉnh. Thêm nữa, dịp đầu năm nay có nhiều thời điểm thời tiết bất thuận như nồm ẩm, mưa, rét kéo dài với nhiệt độ giảm sâu, sau Tết tỷ lệ mắc Covid-19 gia tăng đáng kể, cũng ảnh hưởng tới lượng khách đến với các điểm du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn.
Tổ chức quản lý tốt, hiệu quả
Hai năm gần đây, do công tác phòng chống dịch bệnh nên nhiều thời điểm các di tích phải đóng cửa, lượng khách cũng thưa vắng. Tuy nhiên, mùa xuân này để chào đón du khách trở lại, các di tích đều khởi động sớm việc lắp đặt các biển chỉ dẫn, sơ đồ, các cụm pano, cờ hoa trang trí... Công tác tuyên truyền cũng được các địa phương, đơn vị triển khai với nhiều hình thức đa dạng nhằm giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của di tích cũng như nhắc nhở du khách trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Nguyễn Duy Thanh cho biết, đền Cửa Ông hiện nay qua cải tạo đồi cây, trồng mới nhiều loại hoa góp phần tạo cảnh quan đẹp, môi trường thân thiện chào đón du khách. Khuôn viên thường xuyên được quét dọn, thu gom vận chuyển rác thải đảm bảo luôn gọn gàng, sạch sẽ. Du khách đến với di tích nhiều năm nay có thể cảm nhận rõ “4 không”, đó là không có ăn xin, ăn mày, trộm cắp, móc túi; hàng quán không tăng giá, chèo kéo khách; không có rác thải tồn đọng và không có các hoạt động mê tín dị đoan.
Ở Yên Tử, công tác vệ sinh môi trường khó khăn hơn do địa hình núi non, rừng cây, tuy nhiên Công ty CP Phát triển Tùng Lâm vẫn đảm trách việc thu gom rác trên toàn bộ các tuyến hành hương từ bến xe lên tới đỉnh chùa Đồng. Ông Lê Trọng Thanh cho hay, năm nay do lượng khách giảm nên nhân lực thu dọn rác cũng giảm đi còn khoảng 1/3 so với trước đây, với khoảng 30 người. Rác đảm bảo được thu dọn, đưa lên xe chuyên dụng chở đi trong ngày ra nhà máy xử lý rác thải của Uông Bí. Cùng với đó, đơn vị vẫn duy trì các nhân viên hướng dẫn cho du khách tại các điểm chùa, tháp như Giải Oan, Tháp Tổ, Hoa Yên, Bảo Sái, An Kỳ Sinh. Đơn vị cũng phối hợp cùng các lực lượng liên quan tại đây để đảm bảo tốt các khâu khác như an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ở Khu di tích nhà Trần, Đông Triều cũng vậy. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích, cho biết: Chúng tôi có công văn hướng dẫn các điểm di tích thực hiện trang trí khánh tiết, vệ sinh môi trường, phòng cháy… Với khâu vệ sinh môi trường, các chùa thì bố trí thùng rác, nhà chùa phân công, thuê người dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác về điểm tập trung thu gom rác của địa phương. Còn ở các đền, đình, miếu thì chúng tôi cũng thuê thêm người để thu gom, phân loại rác. Theo đó, rác có thể tái chế thì thu gom vào điểm để chở đi xử lý, còn rác thải hữu cơ dễ phân huỷ thì thu gom vào một điểm để phơi khô rồi đốt tại chỗ...
Chủ động phòng chống dịch Covid-19
Các địa phương, doanh nghiệp hiện đều quan tâm tới các diễn biến của dịch Covid-19, bởi ai cũng hiểu dịch ổn định thì du lịch, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh mới nhanh phục hồi. Các điểm di tích của Quảng Ninh thường có không gian rộng, ở khu vực cao, thoáng đãng nên nguy cơ an toàn cho du khách cũng cao hơn.
Tuy nhiên, việc chủ động phòng chống dịch vẫn được đề cao. Nhiều di tích đảm bảo duy trì là Cơ sở an toàn, an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19. Cán bộ, nhân viên đảm bảo đã tiêm đủ từ 2 mũi vắc-xin trở lên. Việc đeo khẩu trang được các nhân viên làm việc tại di tích thực hiện nghiêm túc. Việc xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho các viên chức, người lao động theo định kỳ hoặc tầm soát ở các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao cũng được các đơn vị chú trọng...
Một số di tích đã có những giải pháp để quản lý tốt hơn lượng người đến tham quan, chiêm bái. Đơn cử như tại đền Cửa Ông năm nay, đơn vị quản lý tiếp tục đóng các lối mở, chỉ để một lối vào cổng chính nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra, vào di tích. Đồng thời yêu cầu du khách bắt buộc thực hiện khai báo y tế điện tử qua mã QR code tại cổng đền.
Ông Nguyễn Duy Thanh cho biết: Ban Quản lý khu di tích đã xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19, đã được Ban chỉ đạo cấp có thẩm quyền về phòng, chống dịch Covid-19 phê duyệt. Chúng tôi cũng bố trí 1 phòng cách ly y tế tạm thời, mua sắm bổ sung khẩu trang, lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động tại cổng chính vào đền phục vụ du khách. Đơn vị cũng phối hợp với địa phương cử nhân viên y tế trực, hướng dẫn về nghiệp vụ và sẵn sàng xử lý ban đầu khi có tình huống xảy ra.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()