Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:01 (GMT +7)
Du lịch nông nghiệp: Xu thế của tương lai
Chủ nhật, 31/07/2022 | 07:29:08 [GMT +7] A A
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đa dạng phục vụ nhu cầu du khách bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh như biển đảo, văn hóa, tâm linh, sinh thái. Đồng thời, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Những mô hình hiệu quả
Đi khắp Quảng Ninh từ TX Đông Triều cho đến TP Móng Cái, không khó để tìm thấy những làng nghề, những hợp tác xã bên cạnh sản xuất nông nghiệp còn phát triển du lịch như sản phẩm đi kèm, mang lại hiệu quả không chỉ về kinh tế mà còn góp phần gìn giữ văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái... Tiêu biểu có thể kể đến như: Đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); Khu trải nghiệm Song Hành Garden (TX Quảng Yên); Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu); vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn)...
Khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu, các hợp tác xã, chủ trang trại tại nhiều địa phương đã có ý tưởng kết hợp phát triển trang trại nông nghiệp với phát triển du lịch với nhiều mô hình hấp dẫn như: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa... Đến nay, các mô hình này đã dần tạo được điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và trở thành những thương hiệu thu hút du khách bốn phương.
Đơn vị tiên phong và cũng thành công nhất trong việc phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không thể không kể đến Khu du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) do Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông đầu tư và phát triển. Hơn 10 năm từ ngày đầu thành lập đến nay, Khu du lịch làng quê Yên Đức đã xây dựng thương hiệu vững chắc là điểm đến hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn hàng đầu của nhiều đoàn khách quốc tế. Trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tính trung bình mỗi năm Yên Đức đón 20.000-30.000 lượt khách, chủ yếu là khách châu Âu.
Với việc đầu tư bài bản, các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch làng quê Yên Đức đã phát triển hoàn thiện với đội ngũ phục vụ du lịch chính là những người dân địa phương, am hiểu văn hóa truyền thống. Tại đây, du khách được thưởng ngoạn không khí trong lành, trải nghiệm không gian sống yên ả, thanh bình, mang đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.
Đến thăm Khu sinh thái gia đình tại xã Hải Lạng (Tiên Yên), du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi có một ngày thử sức làm nông dân tự tay mò cua, bắt ốc, câu cá; được thả mình thư giãn giữa không gian bình dị, gần gũi của ruộng đồng, ao cá, đầm sen, quên đi những bận rộn, áp lực của công việc thường nhật. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ giữa năm 2021, song đến nay, điểm đến này đã thu hút được lượng khách ổn định từ nội tỉnh và ngoại tỉnh. Đặc biệt, từ sau khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại bước vào dịp hè, lượng khách đến đây khá đông, trung bình từ 300-500 khách/tuần, tập trung nhiều vào các dịp cuối tuần, ngày lễ.
Anh Nguyễn Văn Trưởng, Chủ Khu sinh thái gia đình, cho biết: Đúng như tên gọi, mô hình khu sinh thái của chúng tôi hướng đến đối tượng khách là các gia đình, nhóm khách nhỏ đến vui chơi, trải nghiệm tạo thêm thời gian, không gian để gắn kết tình cảm gia đình. Diện tích khu sinh thái khá lớn, do chuyển đổi từng bước từ mô hình nuôi thủy sản, vì vậy, chúng tôi vừa làm vừa đầu tư, hoàn thiện nắm bắt theo nhu cầu của du khách. Từ đây, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện sẵn có và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Với những giá trị, tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương có thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công, những sản phẩm du lịch nông nghiệp hiệu quả, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp một cách bền vững vẫn còn đối mặt với một số thách thức.
Đó là việc thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của những người nông dân, của chính những người dân bản địa trở thành những người làm dịch vụ du lịch, am hiểu văn hóa địa phương cũng như có kỹ năng phục vụ du lịch. Cùng với đó, các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay phần lớn mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Ngoài ra, chưa có sự liên kết chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, du lịch để tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao...
Nhằm phát huy những thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 44 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đây, đã và đang tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ bộ mặt nông thôn hiện đại, khang trang, mở đường cho du lịch phát triển.
Ngày 31/3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn lực thực hiện dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, các địa phương, các chương trình, đề án và xã hội hóa.
Chương trình được phê duyệt sẽ là đòn bẩy đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Nhận diện những thách thức, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chính người dân sẽ là động lực quan trọng để xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Quảng Ninh, tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế.
Ý kiến người trong cuộc
Anh Cem Auchineck Onal, Du khách người Anh: “Tôi đã có trải nghiệm thú vị khi tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân” Dù thời gian trôi qua đã khá lâu, đến giờ tôi vẫn nhớ như in chuyến đi tới Bình Liêu năm 2018. Tháng 7 năm đó, tôi cùng với những người bạn ở Hạ Long về Bình Liêu trong chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm. Trong hành trình đó, tôi đã được ghé chợ Đồng Văn, thưởng thức món phở xào, đi thăm các bản làng sát biên giới với Trung Quốc. Tại đây tôi đã được thăm trang trại nuôi cá tầm, cá hồi, được trò chuyện với những người dân bản địa. Có một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ đó là cùng bà con người Dao đỏ đi cấy. Trời hôm đó có mưa nhưng cũng không ngăn được bà con ra đồng. Mọi người mặc áo mưa, lom khom cấy lúa trên ruộng bậc thang tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và yên bình. Tôi và nhóm bạn khi đó cũng mặc áo mưa, đội nón xuống ruộng giúp người dân cấy lúa. Đó là lần đầu tôi được trải nghiệm cảm giác cấy lúa trên ruộng bậc thang. Dù trời mưa và công việc khá vất vả nhưng trên ruộng ai ai cũng vui vẻ nói cười. Quả thực tôi đã có kỷ niệm không thể nào quên khi tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân địa phương. |
Bà Đặng Thị Bích Diệp, Quản lý Khu trải nghiệm Song Hành Garden (TX Quảng Yên): “Du lịch nông nghiệp mang tính giáo dục thiết thực” Song Hành Garden trước đây là khu sản xuất nông nghiệp có diện tích là 2ha với sản phẩm chính là rau hữu cơ và rau thủy canh. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc đi du lịch ra tỉnh ngoài bị hạn chế, Song Hành đã nảy ra ý tưởng chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang làm du lịch. Tháng 12/2020, Song Hành Garden đã đi vào hoạt động. Chúng tôi chia Song Hành Garden thành 4 khu: Khu vực chụp ảnh check-in; khu tổ hợp ăn uống, giải trí, vui chơi và khu trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp và khu trải nghiệm làm bánh, làm mộc. Khi đến với Song Hành, điểm đặc biệt là du khách có thể trải nghiệm làm nông, tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch rau, gần gũi với thiên nhiên. Tôi nhận thấy, loại hình du lịch gắn với nông nghiệp rất thu hút đối tượng khách là thiếu nhi, học sinh, các trường học. Vì khi tham gia vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, trẻ em có thể vừa chơi, vừa học. Hoạt động du lịch nông nghiệp có thể nói là mang tính giáo dục thiết thực. |
Bà Hoàng Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng An (TX Đông Triều): “Quy hoạch những vùng trồng sen tập trung để phát triển du lịch và dịch vụ gắn với hoạt động nông nghiệp” Trong 2-3 năm trở lại đây, mô hình trồng sen của bà con tại xã Tràng An đã mang lại hiệu quả nhất định phục vụ cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Chúng tôi đã đón được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh tới thăm các đầm sen và chụp ảnh check-in với hoa sen. Nhiều hoạt động dịch vụ phụ trợ như chụp ảnh, cho thuê trang phục đã được phát triển bên cạnh việc bán vé vào tham quan đầm sen của người dân. Thu nhập từ trồng sen bình quân là 150-155 triệu đồng/ha trước đây cũng phần nào được tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả của mô hình trồng sen gắn với phát triển du lịch, tới đây chúng tôi sẽ đề xuất với thị xã cho phép mở rộng diện tích đầm sen, chuyển đổi diện tích trồng lúa trũng, kém hiệu quả, bị chuột cắn phá sang trồng sen và quy hoạch những vùng trồng sen tập trung để phát triển du lịch và dịch vụ gắn với hoạt động nông nghiệp. |
Ông Bùi Văn Chãi, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hà: “Du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là loại hình mới, cần phải có lộ trình và kế hoạch dài hạn” Du lịch Hải Hà có 3 trụ cột chính là du lịch biển đảo, du lịch tâm linh và du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn có nhiều tiềm năng và cung cấp nhiều dư địa cho du lịch Hải Hà phát triển. Điểm sáng của loại hình du lịch này là mô hình đồi chè xã Quảng Long. Năm 2021, trong chuyến khảo sát du lịch tại Hải Hà, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các đơn vị lữ hành lớn như Saigontourist đánh giá cao tiềm năng du lịch của đồi chè Quảng Long, cũng như hương vị của các loại chè đặc sản như Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên... như một món quà ý nghĩa, đặc sản cho du khách khi ghé thăm. Đã có nhiều ý tưởng liên kết tour tuyến qua đồi chè được đề xuất nhằm phát triển du lịch từ thế mạnh sản xuất nông nghiệp của Hải Hà... Cũng phải nói thêm rằng, so với du lịch biển đảo và du lịch tâm linh thì du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là loại hình mới, muốn phát triển tương xứng với tiềm năng thì cần phải có lộ trình rõ ràng và kế hoạch dài hạn. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, trong đó có đưa những đề án thành phần như điểm du lịch đồi chè xã Quảng Long và thôn vườn mẫu xã Quảng Minh, Quảng Thành vào xây dựng kế hoạch chi tiết, tạo sức bật cho du lịch của huyện. |
Nguyễn Dung - Đào Linh (Thực hiện)
- 1.400 tỷ USD là doanh thu từ loại hình du lịch MICE
- Việt Nam lọt top những quốc gia lý tưởng cho 'du lịch nghỉ hưu'
- Du lịch phục hồi và bứt tốc, bất động sản Quảng Ninh “đón sóng”
- Kiểm soát chặt chẽ môi trường kinh doanh du lịch
- Trải nghiệm du lịch hè Minh Châu
- Nỗ lực thu hút khách du lịch
- Phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc
Liên kết website
Ý kiến ()