Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:23 (GMT +7)
Du lịch tạo đột phá cùng sự phát triển của tỉnh
Chủ nhật, 29/10/2023 | 05:59:18 [GMT +7] A A
Từ sự sơ khai với những con tàu đưa khách đi tham quan trên Vịnh Hạ Long và một vài cơ sở kinh doanh du lịch của nhà nước, du lịch Quảng Ninh cùng với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra các vùng miền, với nhiều loại hình, sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và vươn tầm khu vực, thế giới…
Các tài liệu vẫn còn ghi lại, từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long đã được một cựu sĩ quan Pháp là Lapique khai phá làm du lịch. Lapique đã in những tờ quảng cáo gọi Vịnh Hạ Long là “Kỳ quan thứ tám” của thế giới. Được cho phép khai thác du lịch ở đây, Lapique đã mở đường, xây bến tắm, sắm 4 tàu thăm vịnh. Các tàu đều mang tên các loại ngọc, có từ 6 đến 12 phòng riêng biệt và 1 buồng tối để khách in, rửa ảnh…
Nhắc nhớ lại như vậy để thấy, tiềm năng du lịch của Vịnh Hạ Long có sức quyến rũ, độ hút khách ra sao. Giai đoạn trước và sau khi thống nhất đất nước, du lịch của Quảng Ninh chỉ ở dạng sơ khai, phục vụ đối ngoại là chủ yếu. Khách du lịch nội địa chủ yếu là khách công vụ, đoàn viên công đoàn được tiêu chuẩn đi nghỉ dưỡng. Cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ chỉ tập trung ở khu vực Bãi Cháy với số ít khách sạn, nhà hàng thuộc các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, thông tin liên lạc, y tế... còn thiếu và nghèo nàn.
Năm 1993, Sở Du lịch Quảng Ninh được thành lập thì cuối năm 1994, Vịnh Hạ Long chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ. Nối tiếp đó, di sản này tiếp tục được ghi danh Di sản thế giới về giá trị địa chất, địa mạo vào năm 2000. Từ đây cũng mở ra trang mới cho sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh.
Trải qua thời gian, với sự phát triển du lịch ở nhiều vùng, miền thì Vịnh Hạ Long vẫn giữ nguyên sức hút với bạn bè, du khách năm châu, luôn là một trọng điểm du lịch của tỉnh, góp phần đưa Hạ Long trở thành trung tâm du lịch lớn nhất Quảng Ninh.
Không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng… Quảng Ninh đã có những quyết sách lớn để biến tiềm năng thành hiện thực. “Kim chỉ nam hành động” cho du lịch Quảng Ninh phát triển sau giai đoạn đổi mới phải kể tới Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 30/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng to lớn về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh thời kỳ 2001- 2010. Từ đây, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động du lịch, huy động mọi nguồn lực xã hội để tập trung phát triển, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề về môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, phát triển thương hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Qua đó, diện mạo của du lịch Quảng Ninh đã đổi khác rất đáng kể. Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch tăng mạnh.
Một bước phát triển vượt bậc của du lịch Quảng Ninh là trong khoảng chục năm gần đây. Giai đoạn này, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để thu hút và xây dựng công trình có tính động lực thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong đó có du lịch, như: Đưa đường điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô (năm 2013), đảo Cái Chiên (Hải Hà) (năm 2016), Công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh (năm 2013), Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ (năm 2013), dự án hạ tầng khác tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, như: khu di tích Yên Tử (Uông Bí), khu di tích Nhà Trần (Đông Triều), đảo Cô Tô và một số dự án lớn, trọng điểm của Tập đoàn Sun Group, Vin Group, BIM Group, Tuần Châu đã phát huy hiệu quả.
Lượng khách đến với Quảng Ninh giai đoạn này tăng mạnh, cao nhất từ trước đến nay. Theo thống kê từ 2015 đến 2019 (trước khi diễn ra đại dịch Covid-19), tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng; nộp ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10.205 tỷ đồng. Giai đoạn này, tổng lượng khách du lịch tăng 1,67 lần, khách quốc tế tăng 1,64 lần, tổng thu từ du lịch tăng 2,21 lần, thu ngân sách từ du lịch tăng 2,28 lần, tỷ trọng trong thu ngân sách nội địa của du lịch tăng 4,2%.
Hoạt động du lịch đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành kinh tế dịch vụ, tạo thêm hàng nghìn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Du lịch Quảng Ninh đã thực sự mang một diện mạo mới với sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm du lịch cao cấp, như: hệ thống khách sạn 5 sao, du thuyền cao cấp trên Vịnh Hạ Long, Công viên Hạ Long SunWorld, Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh...
Cùng với đó, hàng loạt các hạ tầng du lịch trọng yếu được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn doanh nghiệp, đi vào khai thác, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử, Cảng tàu quốc tế Ao Tiên - Vân Đồn... đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Quảng Ninh. Không gian du lịch được mở rộng đến 13 địa phương trong tỉnh, tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là một điểm đến hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Du lịch Quảng Ninh hiện nay đã và đang nỗ lực phục hồi, phát triển bền vững sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đặc biệt đáng ghi nhận là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, làm mới các sản phẩm du lịch cũ và phát triển thêm các sản phẩm mới hấp dẫn khách du lịch. Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch, cao hơn 3,4 triệu lượt so với năm 2022, doanh thu đạt 32.400 tỷ đồng.
Với nguồn tài nguyên to lớn, Quảng Ninh hiện nay đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm: du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm du lịch mới. Với hệ thống hạ tầng giao thông động lực về cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc...được đầu tư đồng bộ cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung và du lịch nói riêng, Quảng Ninh hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí; trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc, chất lượng cao…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()