Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 10:31 (GMT +7)
Thạch nhũ trong hang động karst trên Vịnh Hạ Long – kiệt tác của thiên nhiên
Thứ 4, 09/11/2016 | 16:40:22 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long - kiệt tác thiên nhiên được tạo thành từ đá và nước đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất địa mạo không chỉ bởi đây là một mẫu hình tuyệt vời về karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần mà ẩn sâu trong lòng mỗi đảo đá còn chứa đựng những kiến tạo hang động vô cùng tinh tế và đẹp mắt.
Thạch nhũ trong hang Cống Đầm vô cùng đa dạng về hình thù, kích thước, màu sắc, thành phần và độ tinh khiết. |
Điều đáng kể nhất trong các hang động karst trên Vịnh Hạ Long là hệ thống măng nhũ đá với đa dạng các hình thù, kích thước, màu sắc, thành phần và độ tinh khiết. Chúng được hình thành qua hàng chục nghìn năm do nước karst nhỏ giọt từ trần hang xuống, lắng đọng, kết tủa calxit mà thành. Bước vào hang, đặt chân lên nền hang mà bản chất chính là những dòng travectin(1) sinh ra từ quá trình karst, ngắm nhìn dòng nước đang chảy xuống từ trần hang, tận tay chạm vào những tinh thể calxit lấp lánh trên những thể thạch nhũ đẹp tuyệt vời, gõ nhẹ và cảm nhận từng âm sắc khác nhau, chắc chắn bất kỳ ai cũng bị vẻ đẹp tinh khiết của đá, của thạch nhũ mê hoặc. Nhiều khối thạch nhũ và những thành tạo hang động vẫn đang tiếp tục được hình thành và phát triển, đây chính là những mẫu vật tự nhiên tuyệt vời cho việc nghiên cứu quá trình karst diễn ra trong hang động.
Thiên nhiên tạo ra nhiều kiệt tác và bản thân mỗi kiệt tác thiên nhiên luôn vận động không ngừng. Không khó để bắt gặp trong các hang động karst những khối đá đổ vỡ, những khối thạch nhũ gãy đổ vương trên nền hang. Đơn giản vì những khối thạch nhũ này sinh ra từ trần hang, bám vào trần hang chủ yếu nhờ lực kết dính của kết tủa calxit. Khi lớn dần lên, trọng lượng của chúng có thể thắng lực kết dính mà rơi đổ cả khối xuống.
Cột đá bị rời làm đôi do hoạt động kiến tạo và trọng lực tại một hang động mới phát hiện trên Vịnh Hạ Long. |
Các nghiên cứu khoa học về hang động Vịnh Hạ Long gần đây chỉ ra rằng, hiện tượng sập trần hang, gãy cột nhũ hoặc các cột nhũ bị nứt trong hang là do trọng lực và hoạt động kiến tạo. Kết quả đo trường ứng suất(2) có thể thấy trong giai đoạn hiện tại các hệ thống khe nứt đứt gãy trên đảo và hang động vẫn đang hoạt động tích cực cho thấy nguy cơ đổ lở vẫn còn tiếp tục xảy ra. Những hiện tượng này dường như cũng tuân theo chu kỳ tuần hoàn của tự nhiên: sinh ra – mất đi – rồi lại được sinh ra. Ngay tại những nơi thạch nhũ trên trần hang bị rơi xuống qua thời gian sẽ hình thành nên những thạch nhũ mới, những thạch nhũ này thậm chí còn tinh khiết và mang giá trị thẩm mỹ độc đáo hơn những nhũ đá đã mất đi.
Và như vậy, Vịnh Hạ Long - dưới góc nhìn về các thành tạo trong hang động - dù còn nguyên vẹn hay đã bị các hoạt động kiến tạo phá hủy đều mang lại giá trị khoa học và tiềm năng du lịch to lớn. Qua thời gian, các khối nhũ đá luôn được tái sinh, làm mới và sẽ luôn là điểm thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu khám phá, tìm hiểu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Vịnh Hạ Long, đặc biệt là giá trị địa chất – địa mạo.
Trần hang và nhũ đá trên trần hang Đại Thành bị rơi theo mặt lớp do trọng lực. |
Vết nứt trên cột nhũ đá trong động Thiên Cung sinh ra do trọng lực. |
Nhũ đá bị rơi từ trần tại động Mê Cung. |
Nhũ đá mới hình thành tại nơi nhũ đá cũ đã bị rơi từ trần hang Cống Đầm. |
Phạm Đình - Nguyễn Hạnh (CTV)
(1): Travectin: Calxit thứ sinh hình thành từ đá vôi gốc ban đầu.
(2): Trường ứng suất: là trường thể hiện phương và chiều tác dụng của lực xuất hiện trong vật thể cân bằng với lực bên ngoài tác dụng lên vật thể và gây ra biến dạng đàn hồi trên 1 khu vực hoặc đối tượng nào đó.
Liên kết website
Ý kiến ()