Tất cả chuyên mục

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của tỉnh, Trung ương và chính quyền, đoàn thể, người dân các địa phương, nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu trong tỉnh được trùng tu, tôn tạo; nhiều lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn. Trong đó, có những lễ hội đã mai một ngót nửa thế kỷ được phục hồi như lễ hội Xuống đồng của xã Phong Cốc (Quảng Yên), lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu) đã tìm lại được sức sống của nó trong đời sống người dân địa phương. Nếu nói rằng lễ hội (hội đình, hội chùa, hội làng…) mang bản sắc văn hoá của cộng đồng địa phương thì trò chơi dân gian chính là điểm nhấn của lễ hội đó. Thường được tổ chức vào dịp lễ hội đầu xuân, các trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí, tiếng cười trước khi mọi người bước vào mùa vụ lao động sản xuất mà còn thể hiện trí tuệ, mong ước của cá nhân, gia đình và cộng đồng vào một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.
![]() |
Thanh niên, phụ nữ Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên) đi cà kheo trong ngày hội VH-TT của dân tộc mình. |
Giống như nhiều giá trị văn hoá truyền thống lễ, nhạc, trò chơi dân gian thể hiện tính vùng miền khá rõ. Tại TX Quảng Yên, nhất là các xã bên Hà Nam, các trò chơi dân gian mang đậm ảnh hưởng của vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ. Trong lễ hội Tiên Công (mùng 7 tháng giêng) thường có các trò “bịt mắt đập niêu”. Trò chơi này khá đơn giản: Người chơi bịt mắt bằng dải lụa đỏ, tay cầm gậy nếu đập trúng niêu đất là thắng cuộc. Ngoài ra còn có chọi gà, đấu vật, kéo co, đánh đu. Trong những năm gần đây, lễ hội Tiên Công còn có thêm trò tổ tôm điếm. Đây là một trò chơi dân gian giải trí và trí tuệ có từ xa xưa. Tổ tôm điếm hình thức có 5 điếm, giống như cái chòi. Khi thi đấu, mỗi điếm cử ra một người chia bài và phát bài, một trung quân giám sát bài, trọng tài điều khiển thi đấu rất công bằng, giữ đúng luật, theo đúng nội dung. Hiệu trống và cờ hiệu trong thi đấu tổ tôm điếm rất quan trọng, các điếm bạn và người tham dự chỉ cần nghe tiếng trống và cờ hiệu là biết tình hình đường đi nước bước của ván bài, hoặc biết kết quả bài. Tổ tôm điếm ngoài là một trò chơi mang tính giải trí, trí tuệ còn hàm chứa cả chất văn nghệ bởi sự vận dụng, huy động của lượng từ ngữ bằng thơ, ca dao, hò vè, khúc hát… với nội dung rất phong phú. Trung quân vừa giám sát bài, điều khiển thi đấu, vừa vận dụng ca vận giới thiệu từng cây bài như: “Anh ơi! Tay chống tay chèo, lấy ai dựng cột kéo lèo cho em. Đó là cây ngũ sách”… Chỉ với một cây bài thôi, trung quân có thể vận rất nhiều câu ca.
Ngoài chơi đu và tổ tôm điếm cơ bản chỉ được tổ chức ở miếu Tiên Công, các lễ hội truyền thống ở Quảng Yên đều duy trì được các trò chơi dân gian khá quen thuộc như kéo co, chọi gà, cờ tướng…
Tại hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ) tổ chức vào 1-3 âm lịch hàng năm, ngoài các nghi lễ cúng Bàn Vương cầu kỳ đều không thể thiếu được các trò thi kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo. Trên những cây cà kheo đóng bằng tre, người chơi (cơ bản là đàn ông) thi xem ai đi nhanh về đích mà không ngã sẽ chiến thắng. Người xem cổ vũ và cười nghiêng ngả khi có một anh chàng chót quá chén liêu xiêu ngã bổ chửng. Ai cũng muốn chiến thắng nhưng tuyệt nhiên không có sự “ăn thua” cay cú trong cuộc chơi mang tính thể thao này.
Năm 2006, lễ hội văn hoá - thể thao dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên lần thứ nhất được tổ chức tại xã Đại Dực. Bên cạnh các cuộc thi gói bánh, hát Soóng Cọ, đây là cơ hội để đồng bào Sán Chỉ hai xã Đại Dực, Đại Thành giới thiệu những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc mình. Trong trò chơi đánh quay, người chơi chủ yếu là thanh niên (vì đòi hỏi sức khoẻ). Mỗi con quay có hình nón ngược, mặt trên đường kính khoảng 20cm, giữa có rãnh nhỏ để quấn dây, đầu dây buộc vào thanh tre. Từng cặp chơi, sau khi bốc thăm và nghe hiệu lệnh của trọng tài, một người quăng con quay ra sân đất, người kia nhắm quay đối phương quăng mạnh, sau đó cả hai nhanh chóng lấy mảnh chôn bát vỡ hất con quay của mình lên, chạy nhanh đến chuyển sang một tấm ván. Quay của ai quay lâu nhất, người đó thắng cuộc.
Ngoài đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co - những trò chơi dân gian phổ biến trong hầu hết các dân tộc ở Việt Nam, đồng bào Sán Chỉ ở Tiên Yên còn có trò chơi đánh cầu chinh. Các quả cầu chinh được kết bằng lá dứa (thay đồng xu) và túm lông gà. Những người phụ nữ đứng thành vòng tròn 7-8 người dùng tay không đánh qua, đánh lại. Đáng chú ý là so với các dân tộc khác, phụ nữ Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên tham gia hầu hết vào các trò chơi dân gian.
Kể từ năm 2006 đến nay, cứ dịp đầu xuân, ngày hội VH-TT dân tộc Sán Chỉ huyện Tiên Yên lại được tổ chức. Từ thành công của ngày hội này, huyện Tiên Yên đã tổ chức thêm ngày hội văn hoá dân tộc Tày (đến nay đã duy trì được 3 năm). Trong hội cũng có kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đi cà kheo... rất vui nhộn, thu hút sự tham gia rất đông của người dân trong vùng.
Đại Dương
Ý kiến (0)